bia Tuệ Tĩnh. Không gian ngôi đền khá trầm mặc, nằm giữa một ngôi làng
nhỏ. Bà từ giữ đền cũng là người trong làng niềm nở rót trà tiếp đón chúng
tôi. Sau khi viết sớ và dâng hương cho cụ Tuệ Tĩnh, một cụ già giúp chúng
tôi đọc sớ và xin keo. Tôi, Katt và Mèo khi xin, quẻ keo đều úp mở, tượng
trưng cho điều cầu xin đã được chứng giám. Riêng keo của Bi, lần nào xin
hai miếng cũng đều úp. Cụ bà kia vẫn kiên nhẫn giúp Bi thẩy hết lần này
đến lần khác. Cuối cùng, đến lần thứ tám, quẻ keo mới úp ngửa như mong
muốn. Bà cụ liền phán:
- Cụ chứng rồi đấy! Cứ yên tâm đi, rồi sẽ khỏi bệnh thôi!
Dĩ nhiên, khi đã đến đây, chúng tôi đã có niềm tin về sự linh thiêng của
ngôi đền đang thờ cúng thần y Tuệ Tĩnh. Nghe bà cụ nói, mấy anh em đều
cảm thấy vui, và thêm hi vọng. Ở đời, ai lại chẳng tin vào những điều tốt
đẹp, nhất là khi họ gần như đang lâm vào bước đường cùng như chúng tôi
lúc này. Sau khi bái viếng xong, chúng tôi nán lại thêm một chút để trò
chuyện với những người cao niên đang có mặt ở đền. Khi nghe về căn bệnh
của Bi, một phụ nữ đứng tuổi nhiệt tình chạy về nhà hái một túi lá thuốc,
dúi vào tay chúng tôi, dặn dò:
- Đây là lá cây Hoàn Ngọc rất quý, ăn vào có thể chữa được khối u. Mỗi
ngày lựa 10 lá to hoặc là 17 lá nhỏ và nhai sống con nhé. Ăn hết từng này
lá thì chắc cũng khỏe lên nhiều đấy. Khi nào hết cô lại gửi cho!
Tôi thật sự cảm thấy xúc động trước tình cảm hồn hậu của người dân
vùng quê. Dù chưa biết lá thuốc này có thật sự hiệu nghiệm hay không,
nhưng tình cảm ấy khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Bi thì cực kì mừng rỡ, tự
nói với mình đầy hồn nhiên:
- Ở đời mình không biết trước chuyện gì được. Biết đâu tốn bao nhiêu
tiền đi nước ngoài mổ, uống bao nhiêu thuốc không hết mà giờ ăn một túi lá
này em lại hết bệnh thì sao. Nếu vậy mấy túi em cũng ăn hết chứ nói gì một
túi.
Tôi hiểu, Bi cũng đang tự tạo thêm cho mình hi vọng vào những điều kỳ
diệu. Những ngày sau đó, em chăm chỉ ăn lá Hoàn Ngọc và uống nước