mấy thước, đo ngọn núi cao, và diện tích hình vuông, hình chử nhật, hình
tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thoi, v.v...
Ông cho học trò làm những bài toán bằng thơ, thí dụ như sau :
Vừa gà vừa chó
Bó một bó cho tròn
36 con
100 cái cẳng
Hỏi mấy gà, mấy chó ?
v.v..
Về địa dư, ông dạy vẽ địa đồ "ngũ đại châu" và bôi đủ các thứ mầu, vẽ bậy
bạ không trúng vào đâu cả, nhưng đại khái cũng phân biệt châu Âu, châu
Á, châu Mỹ, vv... Về Lịch sử, ông viết ra một quyển sách quốc ngữ nhan đề
"Nam Quốc Sử diễn ca" bằng thơ lục bát. Ông cho học trò học thuộc lòng
quyển sử của ông, một bản duy nhất, chép bằng tay, thay vì học "Tứ Thư
Ngũ kinh" như ông đã dạy trước kia. Quyển "Nam Quốc Sử diễn ca" của
ông Tú mở đầu như sau đây :
Nước ta đã bốn ngàn niên
Hồng Bàng lập quốc con Tiên cháu Rồng
Âu Cơ kết với Lạc Long
Sanh ra trăm trứng, chuyện không hoang đường
Mới nghe thì khó tỏ tường
Nhưng dòng Lạc Việt hùng cường biết bao !
Đất nhiều, sông rộng, núi cao,
Dân hăm lăm triệu, dễ đâu thua người !
v.v...
Tuy thế, ông Tú cũng thích chữ Tây lắm. Thỉnh thoảng ông dạy học trò của
ông học chơi cho vui vài ba câu tiếng Pháp mà ông đã học lỏm được ở Côn
Lôn, thí dụ như "Bông-xua Bà Đầm, Bông-xua Mông xừ, v.v..."
Mồng một Tết, ông Tú đến nhà ông Cử Phạm, chúc mừng bằng một câu
tiếng Tây : "Bon-an-nê !" điểm theo một nụ cười bông đùa rất có duyên. Đó
là triệu chứng chữ Pháp đã bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1920 trong
dân gian vậy.