Nguyễn Vỹ
Tuấn, chàng trai đất Việt
Chương 19
1921
-Ông Tú nhà Nho bị tù đày ở Côn-lôn lúc được trả tự do về nhà mở trường
dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Tây và Toán.
-Sữa hộp con chim ( Nestlé ) là món xa xỉ phẩm chỉ để các quan dùng.
-Học trò "đi Tết" Thầy, và đọc "đít cua" (discours) mừng tuổi Thầy.
-Tình hình các trường Nhà Nước khắp ba kỳ Trung Nam Bắc.
-Một bộ đồ Tây gởi vô Saigòn may.
-Một ông Đốc học nịnh "Mẫu quốc".
-Một ngày lễ Quốc Khánh Pháp. Và những trò giải trí nhục nhả cho người
An-Nam.
Chiếc máy bay lần đầu tiên kiểu Farman 1915, đáp xuống một khu đất
hoang gần tỉnh lỵ, một buổi chiều thứ sáu năm 1920, trước một công chúng
vài ngàn người đã gây được một uy tín lớn lao cho người Pháp và thêm
được một yếu tố tâm lý vững chắc cho chính sách chinh phục mà họ gọi là
"Bảo Hộ". Thời kỳ này các nhà Văn Thân có đầu óc ái quốc đã hoạt động
chống Pháp từ 1906-1908, theo phong trào Duy-Tân, phong trào xin xâu
"giặc đồng bào", hầu hết đã bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo đều đã lần lượt trở
về, và sống yên thường thủ phận. Các ông không hoạt động chính trị nữa,
chỉ mở trường tư tại nhà dạy học trò. Ông Tú Phong thầy học cũ của Ký
Thanh và của Phán Tuấn, sau khi bị đi tù ở Côn Lôn về, liền mở trường dạy
chữ quốc ngữ và bỏ hẳn chữ Nho . Người ta ngạc nhiên thấy ông Tú sau
chín năm đi tù về, đã cúp tóc carré và cách thức ăn ở đã tiêm nhiễm văn
minh Âu Tây". Ông viết chữ quốc ngữ rất thạo, và có đem về một quyển
tập dầy khoảng 200 trang chép bằng mực tím tất cả những gì ông học được
trong nhà lao Côn Lôn. Ông đem quyển tập ấy dạy lại cho đám học trò của
ông, độ vài ba chục thanh thiếu niên, con những nhà khá giả nhưng không
thích đi học "trường nhà nước". Nhiều cậu đã lớn tuổi sắp làm ông Hương,
ông Xã . Đại khái về Toán thì ông Tú dạy cách đo bóng cây để biết cây cao