...
Cho đến khi nào chàng nhắm mắt đọc trôi chảy, thật nhanh và không vấp
một chữ, từ số 9 đến số 1 chàng mới đi ngủ. Kỳ thi Tuyển Sanh, Lê văn
Thanh đậu thứ nhì. Về nhà, ông Xã bà Xã vui mừng giết một con gà nấu
cháo, cúng tạ Ông Bà.
Mỗi năm mỗi lên lớp, đến năm 22 tuổi Lê văn Thanh học hết lớp Nhất,
được đi thi "Khoá Sanh", nói theo tiếng Pháp là thi "Ri me" (#1). Thi "Ri
me" rất khó khăn, vì có ông Tây chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ
Tây. Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò "Trường Pháp
Việt", học chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đứng đắn,
nhưng cũng cứ nói được, hiểu được khá nhiều, và có thể bập bẹ đối đáp
với: "Ông Tây bà Đầm" được lắm.
Thí sinh vỏn vẹn có 10 người, cả 10 đều thi đậu. Thí sinh trúng tuyển bằng
cấp "Ri me" được gọi là "Cậu Khoá".
Để khuyến khích học trò các khoá sau đi học cho đông, "Nhà Nước Bảo
Hộ" truyền lịnh các làng sở tại phải rước các "Cậu Khoá" về làng một cách
long trọng, như rước các ông Nghè, ông Cống của Nho học vậy.
Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi "Ri me" năm 1915 là ngày cậu
Khoá Lê văn Thanh được rước về làng, 8 giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới
may bằng "vải trăng đầm" mang đôi guốc cùn, đội mũ trắng, được quan
Đốc học dẫn đến chào "Quan Công Sứ Pháp và Quan Tuần Vũ". Trước
cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại, quê quán của cậu Khoá
đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh
bọc bằng niền sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có
bánh cao su.
Từ trong dinh Quan Tuần Vũ, cậu Khoá Lê văn Thanh được ông Hương Cả
trong làng mời lên ngồi trong xe. Trống và chiêng đánh ba hồi, thêm ba
tiếng. Đám rước bắt đầu đi. Trống và chiêng đi trước, vừa đi vừa đánh ba
tiếng đều đều, kế đến một người dân cầm một bức trướng thêu bốn chữ Hán
"Tân Học Khoá Sanh", rồi hai dẫy cờ đuôi phụng, đủ các màu rực rỡ xanh
đỏ tím vàng, phất phơ trong gió. Chiếc xe "cậu Khoá" đi giữa, do một
người phu kéo bước thong thả, theo một nhịp với mấy người dân cầm cờ.