Tiệc khao này kéo dài suốt ba ngày đêm, toàn thể dân phố ở Cửa Bắc và
Cửa Tây, tức là dân làng sở tại ở tỉnh lỵ đều nô nức vui mừng, và khen ngợi
nhà "ông Hương cả có phước". Bây giờ không ai dám gọi cậu Bốn Thanh
nữa, mà cung kính cúi đầu, xá: "Thầy Ký Thanh".
Hôm đầu cuộc lễ ăn mừng, ông Hương Cả làm lễ "Tế Thần", có các hương
chức trong làng tham dự, tức là lễ tạ Ơn vị Thành Hoàng ở đình làng. Trong
đình, có trống lớn, trống nhỏ, chiêng, phèn la, có nhạc bát âm, ngoài sân có
cờ, có lọng, có dân chúng, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, bà già, con
nít, tụ hợp đông đủ để coi.
Thầy Ký Thanh bây giờ không còn mang đôi guốc cùn như hồi đi học nữa.
Thầy được mang đôi "giầy Hạ", thứ giầy bằng da đen bóng, chỉ có các quan
và các thầy Thông thầy Ký, thầy giáo, mới được mang mà thôi. Giầy này
do người Bắc làm ở Bắc, đem vào bán tại các tỉnh. Lúc bấy giờ, giầy tây
chưa có ai mang.
Tính ra, từ hồi cậu Bốn Thanh còn để cái búi tóc trên đầu, trông thấy ông
Tây bà Đầm đã vội chạy trốn, hoặc giả vờ đứng câu cá ở đường mương,
ngoài Cửa Bắc để đợi cô Ba Hợi đi chợ mà lẽo- đẽo theo sau tán tỉnh bằng
một câu chữ Nho "nhất nhựt bất kiến như tam thu hề... " cho đến bây giờ là
thầy Ký Thanh chân mang giầy Hạ, đầu đội mũ trắng, đi làm việc trên "Toà
Sứ" với chức "Thông ngôn Ký lục" cả sự biến đổi lớn lao hay mới mẻ ấy
chỉ xẩy ra trong khoảng 5 năm, từ 1910 đến 1915. Thực ra, sức hiểu biết
chữ Pháp trong 5 năm sơ học ấy có là bao, nhưng thầy Ký Thanh bây giờ
hãnh diện được "nói tiếng Tấy" với tất cả mọi người. Thầy không còn xổ
những câu trong sách "Thánh Hiền" của Đức Khổng, Đức Mạnh nữa. Ở nhà
thầy khoe tiếng Tây với bà con hàng xóm, thiên hạ lại ùa nghe đông nghẹt.
Ai cũng tò mò muốn hỏi thầy cái nầy cái nọ gọi bằng tiếng tây như thế nào.
Nhiều chữ dễ, thầy trả lời thông suốt cả. Gặp những chữ khó, thầy chưa học
tới, thì thầy nói bậy bạ, thì họ cũng nghe mê.
- Cái chén, chữ tây gọi là gì thầy Ký?
- La tách-xờ (la tasse)
- Cái bình điếu?
- La píp-pờ. (la pipe)