- Con heo kêu ụt ịt, tây nó nói sao thầy Ký!
- Lơ cu son út xờ, ít xờ.
Thầy Ký Thanh sợ người ta hỏi nhiều chữ khó quá, trả lời không được, thầy
đứng dậy bảo:
- Thôi, đừng hỏi nữa. Muốn biết chữ Tây thì đi học trường nhà nước, đừng
học sách Khổng Tử, Mạnh Tử nữa.
Ông Hương Cả quý cưng cậu con trai "Ký Lục", cũng bảo bà con hàng
xóm:
- Để anh Ký nó đi nghỉ cho khoẻ, sáng mai còn đi làm việc trên Toà.
Thầy Ký Thanh vào nhà, đi ngủ. Ông Hương Cả còn nói với bà con:
- Nó giỏi chữ Tây, cho nên quan Sứ ngài thương nó lắm...
Sự thật, thì cái tiếng Tây của thầy Ký Thanh là loại "tiếng bồi", nhưng
trong buổi sơ giao, người Pháp cần gấp một số thông ngôn tạm hiểu chút ít
tiếng của họ, một cậu "lắc léo mê dòng lô" nói tiếng Tây "ba xí ba tú" như
thầy Ký Thanh vẫn được nhà nước Bảo Hộ trọng dụng.
Nhưng Ký Thanh vào sở, chạm trán phải một "quan Phán đầu Toà" rất khó
chịu. Ông này, cũng là thanh niên, chỉ lớn hơn Thanh độ 6, 7 tuổi, nhưng
nguyên là con một Quan Án Sát ở Hà Tĩnh, và tốt nghiệp trường Quốc Học
Huế, học giỏi hơn và được bổ làm "Thông Phán", chức vị cao nhất ở Toà
Sứ.
"Quan Phán Đầu Toà" biết thầy Ký Thanh mới có bằng sơ học, tiếng Tây
còn kém, nên thường tỏ vẻ khinh khi thầy. Chỉ tại thầy Ký được "cụ Sứ"
thương vì thầy giỏi khoa nịnh bợ - nên Quan Phán phải nể đôi chút đó thôi.
Có điều phân biệt hẳn, là Quan Phán đến sở thì đi bằng xe kéo, loại xe kéo
bánh sắt do Quan Phán mua riêng một chiếc làm "xe nhà", và do một người
"cu li" kéo ngày hai buổi đưa quan đi đến Toà và rước quan về. Còn thầy
Ký Thanh vẫn phải đi bộ. Xe máy (xe đạp) lúc bấy giờ cũng chưa có. Bắt
đầu từ 1919, mới có lưa thưa vài chiếc xe máy bánh sắt, những nhà giàu
mới mua nổi. Sự thù ghét và ganh tỵ nhỏ nhen giữa hai chàng thanh niên
công chức địa vị khác nhau. Quan Phán Đầu Toà và thầy Ký Thanh, chỉ
ngấm ngầm mà thôi. Nhưng luôn luôn, Ký Thanh vẫn hãnh diện được "Cụ
Sứ" tin cậy hơn. Quan Phán ỷ mình là con Quan Án và tốt nghiệp trường