TUẤN, CHÀNG TRAI ĐẤT VIỆT - Trang 417

đi tiệm. Chỉ khổ cho những người từ các nơi đến Hà Nội phải ở khách sạn,
tìm được chỗ ăn là cả một vấn đề. Có lẽ tại vì phong tục ngoài Bắc là tránh
những nơi “ tửu điếm trà đình “ cho nên trừ những trường hợp đặc biệt, còn
thì không có cảnh tượng ngoài phố như Saigon.
Hà Nội thời Tiền chiến, là kinh đô cổ kính, nơi “nghìn năm văn vật đất
Thăng Long” hãy còn giữ hầu hết những nét truyền thống của Nho phong.
Saigon khác hẳn, dù là Saigon lúc Tuấn từ Hà Nội vào, ngơ ngác giữa cảnh
rộn rịp đêm ngày như tự cảm thấy mình thất lạc vào một thành phố hoàn
toàn xa lạ.
Quen nếp sống thường ngày ở Hànội, Tuấn đến Saigon và đi xem phố xá
cũng mặc áo veste và đeo cravate, Tuấn cảm thấy khó chịu ngay vì chung
quanh mình công chúng toàn mặc áo bà-ba hoặc sơ mi trần. Cho đến các cô
thiếu nữ 19, 20 tuổi đi ngoài phố cũng mặc áo bà-ba, khác hẳn với Hà Nội.
Tất cả đều ngó Tuấn với cặp mắt tò mò. Tuấn ngơ ngác ngượng nghịu như
một người ở tỉnh lần đầu tiên bước chân lên đô thị Saigon.
Sáng hôm sau, để thiên hạ khỏi để ý đến mình, Tuấn mặc sơ mi trần, không
đeo cravate, ra đường gọi xe kéo xuống nhà Giây thép, có vẻ tự nhiên như
một người dân Saigon.
Ðến Bưu điện hỏi thầy N. người ta chỉ qua phòng “ colis postaux” (bưu
kiện) ở bên hông.Tuấn sang phòng này, may mắn trông thấy ngay N. người
bạn học cũ ở Qui-Nhơn. Ðầu tiên, N. bỡ ngỡ hỏi :
- Ủa, Tuấn đi đâu đây ?
Tuấn bảo khẽ, sợ người ngoài nghe :
- Mình ở Hà Nội mới vô hôm qua, muốn gặp N. nói chuyện chơi.
N. cười gượng :
- Ừ, nhưng bây giờ mõa đang bận việc. Ðể chiều nay được hông ?
- Ðược
- Toa vô Saigon ở trọ nhà ai ?
- Ở khách sạn Hồng Hoa, đường AmiraL Roze.
- Vậy thì chiều nay cơm nước xong, độ 8 giờ mõa chờ toa trước cửa ga xe
lửa. Nhớ hỉ ! Rồi bọn mình đi ra hóng gió ở Pointe des blagueurs, tha hồ
nói chuyện. Nhớ hỉ !

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.