Espagne (Lê thánh Tôn).
Nhà hàng này hiện giờ là một tiệm vàng. Tuấn vui mừng nhưng hơi bỡ ngở
được gặp đông đủ các đồng nghiệp Saigon, và được ông hội trưởng giới
thiệu từng người.
Trong số đó Tuấn có chú ý nhiều nhất đến các bạn Trần Văn Thạch (chủ
bút báo La Lutte), cộng sản đệ tứ, Tạ Thu Thâu (cộng sản đệ tứ), Phan Văn
Hùm (đệ tứ), Lê Trung Cang (Ðiện Tín), cô Anna Lê Trung Cang (con gái
ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín), và Lê Văn Thử (La Lutte), Thúc Tề (Công
Luận), Jean Baptiste Ðồng (Sài thành), v.v…
Báo cộng sản Ðệ Tam không dự buổi tiệc. Ðang chuyện trò vui vẻ thì ông
Lê Trung Cang đưa vào một thiếu nữ độ 15 tuổi, người mảnh khảnh, yếu
ớt, nước da ngăm ngăm đen như người Cao Miên và mặc áo sơ mi, quần
short (kiểu quần tây cụt trên, đầu gối tóc frisés. Tất cả các nhà báo đều ngạc
nhiên trong lúc ông Lê Trung Cang giới thiệu cô ấy với Tuấn :
- Ðây là cô em Hồ thị L.
Rồi ông cười to nói to hơn, có vẻ đắc chí :
- Cô sẽ là nữ anh hùng xe máy An nam …Tôi mong rằng nữ anh hùng Hồ
thị L. sẽ được bạn đồng nghiệp Trần Tuấn đón tiếp niềm nở tại Hà Nội
cũng như bữa nay tôi được hân hạnh tiếp bạn đồng nghiệp tại hội quán
AJAC vậy đó.
Một nhà báo la lớn :
- Ê, xin đính chính đa ! Bửa nay là hội AJAC của các nhà báo Nam kỳ đón
tiếp bạn đồng nghiệp Trần Tuấn, chứ không phải riêng của cha nội đa !
Tuấn nhã nhặn bắt tay cô bé Hồ thị L. với một nụ cười xã giao, Trần Văn
Thạch ngồi cạnh Tuấn, chỉ một ghế trống mời cô L. ngồi. Cô ngồi xong nói
ngay với Tuấn, bằng một giọng ngây thơ :
- Mặc dầu ông công kích cái sự em đi xe máy ra Hà Nội, em cũng quyết
định đi ra ngoài, để gây phong trào phụ nữ thể thao.
Tuấn nhã nhặn nghe và hỏi :
- Cô ốm yếu quá mà đi xe máy trên một đoạn đường dài trên 17000 cây số,
trải qua bao nhiêu núi đèo hiểm trở, tôi phục lòng can đảm của cô.
- Em sẽ vượt qua hết, nhờ sự khuyến khích của papa Cang.