Xong buổi tiệc, ở nhà hàng Mékong ra, sau khi cảm ơn tất cả các bạn, Tuấn
đi lang thang trên lề đường Espagne, bổng Thúc Tề từ phía sau tiến đến, vỗ
vai Tuấn và giới thiệu người bạn bất ly thân của anh :
- Xin giới thiệu với anh đây là anh Hàn Mặc Tử, thi sĩ Qui Nhơn.
Tuấn vồn vã bắt tay :
- Rất hân hạnh được biết anh. Ở Hà Nội, tôi vẫn thích đọc thơ anh đăng
trong nguyệt san “ Trong Khuê Phòng “ở Saigon.
Hàn Mặc Tử cười hiền lành :
- Tôi cũng theo dõi những hoạt động văn nghệ của anh trong các báo Hà
Nội. Thơ của anh có giọng thành thật dễ cảm và dễ thương lắm.
Hàn mặc Tử chỉ một căn gác ở dãy nhà lầu lụp xụp bên lề đường Espagne :
- Gác trọ của chúng tôi đó. Mời anh lên chơi.
(Hiện giờ căn nhà này là một tiệm giày khá lớn, đối diện với vách tường
sau của dinh Gia Long -1966)
- Vâng.
Thúc Tề và Hàn Mặc Tử đưa Tuấn vào căn nhà dưới tối lờ mờ, và rất sơ
sài, nơi đây có vài người thợ đóng giày đang làm việc. Vào căn giữa, leo
lên một cầu thang gỗ đã mục nát nhiều chỗ, chỉ vừa một người leo. Vào cửa
là một căn gác chật hẹp, thấp, bài trí rất bừa bãi, với ba bốn ghế bố, và hai
chiếc bàn, vài cái tủ, tất cả đều cũ kỹ, nghèo nàn, luộm thuộm lẫn lộn sách,
báo, đờn nguyệt, đờn mandoline, áo quần, mền mùng, chén tách bình trà …
Phía trước là hai cửa sổ thấp, ngó xuống một mái tôn chĩa nghiêng ra
đường phố. Trong lúc Thúc Tề lăng xăng đi pha nước trà nhưng bình đã
cạn, và xách bình chạy xuống nhà dưới. Hàn Mặc Tử lấy một bài thơ mới
làm ra đọc cho Tuấn nghe. Giọng đọc thơ của Hàn Mặc Tử run run yếu ớt.
Tuấn để ý thấy da mặt, hai tai, và bàn tay của “ thi sĩ Qui Nhơn “ hình như
bị lát, xần xùi, mốc mốc.
Tuấn khen bài thơ hay thấm thía lắm, Hàn Mặc Tử vứt tờ giấy chép thơ lên
trên bàn, lấy cái tách úp lên để khỏi bị bay ra gió, rồi khẽ hỏi Tuấn :
- Sao có những bài thơ anh không làm nốt ? Hình như anh mới làm có một
đoạn …
Tuấn mỉm cười :