một người bạn của ông, ở trước cổng Hội Chợ, đường Gambetta, nhưng
xem qua bài báo bị truy tố, luật sư bảo Tuấn :
- Tôi rất tiếc không thể bênh vực cho anh trước toà án, mặc dầu có sự gởi
gấm tử tế của ông Abadie bởi vì …tốt hơn hết là tôi sửa soạn va li để lên
đường về Marseille !
Ý của luật sư Lambert bảo rằng ông không thể bênh vực một tờ báo có tính
cách chống Pháp và có khuynh hướng đòi đuổi Pháp ra khỏi Ðông dương.
Bênh vực cho Tuấn thì tốt hơn là ông xách va li về Pháp cho rồi.
Tuấn đem câu chuyện của luật sư Lambert nói lại cho ông Abadie rõ. Ông
này có ý muốn cứu Tuấn khỏi tù tội, khẽ bảo Tuấn :
- Tôi khuyên anh tốt hơn là đi vắng Hà Nội trong thời gian có phiên toà xử
anh. Toà sẽ xử khiếm diện. Nhưng anh sẽ trở về kịp ngày để chống án sang
Pháp. Tôi sẽ tìm cách tạo ra một Vice de forme, để toà án huỷ bỏ bản án
của toà Hà Nội, và bắt xử lại. Từ đây đến đó anh sẽ có thì giờ vận động, vì
thủ tục Toà Phá Án còn kéo dài lâu lắm.
Nghe lời ông Albadie. Tuấn chuẩn bị đi Saigon một tuần lễ trước ngày có
phiên toà. Nhân tiện ông Albadie viết thư giới thiệu Tuấn với ông Hộ Pháp
Phạm Công Tắc, Quyền Giáo Tông Ðạo Cao Ðài ở Thánh thất Tây Ninh.
Tuấn không hiểu do trường hợp nào một người Pháp chính thống như ông
lục sự Albadie lại theo đạo Cao Ðài ? Tuấn không hỏi ông, vì lễ độ, nhưng
Tuấn cứ thắc mắc về vấn đề đó.
Ðạo Cao Ðài có gì lạ ? Có gì hấp dẫn đến đỗi một người trí thức Pháp phải
bỏ đạo Thiên Chúa để theo đạo Cao Ðài ?
Trước đó ít lâu, giới trí thức Hà Nội đã bàn tán rất nhiều về đạo Cao Ðài.
Nhưng thực ra không ai hiểu rõ, chỉ biết qua loa là một Tôn giáo mới xuất
hiện ở Nam kỳ, thờ cả Phật, Chúa, Lão Tử, Trạng Trình và Victor Hugo.
Chưa ai biết tường tận về giáo lý Cao Ðài, và nhất là hai chữ Cao Ðài. Một
số anh em đồng chí cách mạng rỉ tai cho Tuấn biết rằng đạo Cao Ðài, do hai
chữ C. Ð. tức là Cường Ðể, chính là một đảng cách mạng bí mật của nhà
chí sĩ Cường Ðể sáng lập ra trá hình dưới thể thức một Tôn giáo để đánh
lừa sự dòm ngó của người Pháp và của Deuxième Bureau (Ðệ Nhị phòng
của Mật vụ vậy ).