TỤC-NGỮ LƯỢC-GIẢI (TẬP III)
A
Anh em ai đầy nồi nấy. – Đầy nồi là đầy nồi cơm, tức no-đủ. Nấy là
người ấy. Anh em ai đầy nồi nấy nghĩa là : Anh em thì anh em, song người
nào no đủ người ấy ; ý nói anh nào đầy nồi thì anh ấy no-đủ, anh nào vơi nồi
thì anh ấy chịu đói bụng. Anh em mỗi người một phần, ai có người ấy ăn có
của chưa dễ đã chia sẻ cho anh em nghèo. Câu này ngụ ý chê thói vị kỷ của
con người, ngay đối với người thân yêu như anh em mà cũng vẫn không bỏ
thói vị kỷ.
Anh em chém nhau bằng xống, không ai chém nhau bằng lưỡi. –
Sống đây là sống dao, tức là cái lưng con dao, phía đối chọi với bụng dao
tức lưỡi dao : cũng gọi là dong dao. Lưỡi tức là lưỡi dao, cái phía sắc bén
của con dao, dùng để chặt, cắt, chém các đồ vật. Thường thì bao giờ người
ta cũng chém bằng lưỡi dao, không ai chém bằng xống dao, vì xống dao
không sắc chém không đứt được. Nhưng anh em lỡ giận dữ bất bình với
nhau thì chém nhau bằng xống, chứ không chém nhau bằng lưỡi. Là vì anh
em chỉ chém dứ, chém dọa nhau, chứ không định bụng chém chết nhau, như
đối với kẻ thù. Câu này đại ý khuyên anh em dù gập lúc bất hòa với nhau,
cũng không nên xử tệ với nhau quá, như đối với người dưng, vì anh em dù
sao vẫn là anh em.
Anh em khinh trước làng nước khinh sau. – Anh em có khinh ghét
nhau, nói xấu nhau trước thời sau người trong làng trong nước mới biết rằng
anh em nhà ấy xấu, và mới khinh theo. Nếu anh em hòa-thuận với nhau,
bênh vực lẫn nhau, thì làng nước không bao giờ dám tỏ ý khinh, vì sợ anh
em nhà ấy thế lực mạnh. Lấy việc anh em làm thí-dụ, câu này đại ý khuyên
người trong nhà trong nước nên yêu mến nhau, nhường nhịn lẫn nhau, để
người ngoài khỏi khinh bỉ. Mạnh-Tử nói : « Người trong nước khinh nhau
trước rồi sau người ngoài nước mới khinh, người trong nước đánh nhau