trước rồi sau người ngoài mới đánh ». Ý-nghĩa cũng tương tự câu tục-ngữ
trên.
Ăn cây táo rào cây soan đào. – Quả táo và quả xoan đào coi gần giống
nhau. Người vô ý có thể lầm quả nọ ra quả kia. Cho nên có người ăn quả cây
táo mà không rào cây táo để giữ gìn quả táo, lại đi rào cây xoan để giữ quả
xoan. Câu này có ý chê người không biết suy-xét chịu ơn người này lại đi
giả ơn người kia, ăn nơi này lại đi làm tốt nơi khác.
Ăn có nơi, làm có chỗ. – Ăn có nơi ăn, làm có nơi làm, ý nói nơi ăn
nơi làm chỗ nào ra chỗ ấy. Câu này có thể có hai ý nghĩa : 1) Khuyên người
ta nên sắp đặt chỗ ăn, chỗ làm cho ngăn-nắp, không nên luộm-thuộm. 2)
Khuyên người ta không nên bạ đâu ăn đấy. Ăn phải tùy nơi, làm phải tùy
chỗ, thì mới giữ được giá-trị của mình.
Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng. – Tù-và làm bằng vỏ ốc bể hay
bằng sừng trâu, dùng để báo hiệu khi có việc quan hay có động-đang trộm
cướp, cháy nhà v.v… Việc thổi tù-và báo hiệu ngày xưa thuộc nhiệm vụ tuần
tráng. Tuần-tráng là những người trai-tráng không có bằng cấp chức-vị gì
được cắt ra để trông coi trật-tự và an-ninh trong làng. Tuần-tráng trong xã
hội không được lương-bổng gì, hàng ngày ăn cơm nhà, làm việc làng. Hằng
năm đến vụ gặt, mới được chia nhau một ít thóc tuần gọi là sương túc.
Nhưng đi tuần hàng tổng thì sương túc hàng năm cũng không được hưởng.
Thổi tù và hàng tổng là nhiệm vụ của tuần-tráng hàng tổng. Câu này ngụ ý
than phiền về tạp-dịch dân đen phải chịu thời xưa. Người ta thường mượn
câu này để nói bóng việc làm không có lợi-lộc.
Ăn cơm nhà vác ngà. – Thời quân Minh cai trị nước ta ngày xưa,
nhân-dân thường phải đem theo gạo nước lên rừng tìm ngà voi, săn chim trả,
xuống bể bắt đồi-mồi, mò ngọc trai cho quân Minh. Tình-cảnh rất là cực
khổ. Bởi vậy mà nhân-dân uất-ức đã theo vua Lê-Lợi đứng lên đánh đuổi
quân Minh. Ăn cơm nhà vác ngà voi là câu tục-ngữ tả cảnh khổ của nhân
dân thời bấy giờ. Nay người ta thường mượn câu này để nói bóng việc làm
không có lương bổng gì.