Khi tôi kể cho Cathy về sự liên tưởng của tôi tới quảng cáo iPod, cô nói đó
là cảm nhận của cô về cuộc đời mình, nó đã bị chia nhỏ đến độ cô không
thể hàn gắn chính mình lại được nữa. Cathy sợ rằng một ngày nào đó chiếc
bóng lấn át, vào đúng một thời điểm sai lầm nào đó, sẽ hủy hoại mọi thứ.
Nhưng cô cũng lo rằng mình sẽ mãi mắc kẹt trong bộ dạng luôn tỏ ra hạnh
phúc của mình, sẽ không có ai thực sự hiểu và không bao giờ có thể thoát ra
được.
Một trong những bài học giá trị nhất mà tôi học được khi là chuyên gia trị
liệu tâm lý, được diễn đạt tốt nhất bởi một bác sĩ lâm sàng tên là Masud
Khan: Cái khó điều trị nhất chính là nỗ lực tự chữa lành của bệnh nhân. Hầu
như không có cuộc đời nào là hoàn hảo và vì những người trẻ tuổi nhìn
chung rất kiên cường nên nhiều người thường bật ra khỏi khó khăn bằng
những giải pháp của chính mình. Đó có thể là những giải pháp không hoàn
hảo và lỗi thời, nhưng dù sao đi nữa chúng cũng là giải pháp – những giải
pháp chống lại sự tan rã.
Việc tự chữa lành có vẻ vô hại hoặc tinh tế, giống như cách Cathy xoa dịu
chính mình bằng âm nhạc và đàn ông. Hoặc, nó có thể gây rắc rối một cách
hiển nhiên, như việc tự hủy hoại thân xác, chè chén say sưa, hay chơi thuốc
để tự làm mình tê liệt. Thông thường một lúc nào đó trong những năm
tháng tuổi 20, cuộc đời thay đổi, các giải pháp cũ trở nên rắc rối và không
hợp lý. Những thứ từng giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn nay lại đang cản lối.
Đi làm với đầy những vết sẹo cắt trên cánh tay rõ ràng không ổn chút nào
và những người bạn gái sống chung sẽ phát chán khi thấy ta cứ luôn say
thuốc. Nhưng ta cảm thấy như mình không thể ngừng nghe loại nhạc đó hay
ngừng quan hệ dễ dãi để đổi lại cảm giác được chú ý dù chỉ đôi chút. Việc
tự chữa lành có thể mất cả một đời người.
“Cathy, có một câu ngạn ngữ thế này ‘Cái bè là thứ cần có để vượt qua
sông. Nhưng khi đã sang đến bờ bên kia rồi cần phải bỏ nó lại’.”
“Gì cơ?”