nhà từng được đánh giá cao; các nhà quản lý tài chính ảo tưởng thị trường
sẽ luôn trên đà đi lên. Người trưởng thành ở tất cả các độ tuổi đã để cho cái
mà các nhà tâm lý học gọi là “niềm lạc quan phi thực tế” – cái ý tưởng rằng
sẽ chẳng có gì tồi tệ xảy đến với bạn – đánh bật logic và lý trí. Người
trưởng thành ở mọi địa vị đều thất bại khi làm bài toán này. Giờ đây, những
người trong độ tuổi 20 đang được sắp đặt để trở thành một bong bóng khác
sẵn sàng nổ tung.
Trong văn phòng mình, tôi đã được chứng kiến điều đó.
Cuộc đại khủng hoảng và hậu quả tiếp diễn của nó đã khiến những người
trong độ tuổi 20 trở nên ngây thơ, thậm chí là tan vỡ. Những người trong độ
tuổi 20 giờ đây có học vấn nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, nhưng chỉ
một phần nhỏ trong số này tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Rất nhiều công việc khởi điểm đã được chuyển ra nước ngoài khiến những
người trong độ tuổi 20 càng thêm khó khăn để có được một vị trí chắc chắn
tại quê nhà. Với nền kinh tế hẹp dần và dân số bùng nổ, tình trạng thất
nghiệp đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Vị trí thực tập không
lương nay được xem là công việc khởi điểm. Khoảng 1/4 những người
trong độ tuổi 20 không có việc làm và 1/4 khác chỉ làm việc bán thời gian.
Những người trong độ tuổi 20 có việc làm được trả lương kiếm được ít hơn
so với những người trong độ tuổi 20 những năm 1970 sau khi lạm phát
được điều chỉnh.
Do các công việc ngắn hạn đã thay thế những sự nghiệp lâu dài ở Mỹ, nên
một người trong độ tuổi 20 thường sẽ nhảy việc liên tục trong giai đoạn này.
1/3 trong số đó sẽ chuyển nhà trong bất kỳ năm nào, thậm chí xa cả gia đình
và bạn bè cũng như rải sơ yếu lý lịch ở khắp nơi. Khoảng 1/8 trong số này
sẽ quay về nhà sống cùng bố hoặc mẹ, ít nhất một phần vì lương bổng bị cắt
giảm, dẫn đến việc họ không thể tự chi trả cho cuộc sống. Ngoài ra, các
khoản nợ học phí đại học đang đến hạn, với số lượng sinh viên nợ hơn
40.000 đô-la đã tăng lên gấp 10 lần trong 10 năm qua.