ngô mua ở cửa hàng khi ta không thể về nhà trong ngày Lễ Tạ ơn, cảm giác
tuyệt vời khi có một nhóm bạn thuộc về mình.
Không thể phủ định rằng những người bạn này đóng vai trò ủng hộ quan
trọng đối với nhiều người trong độ tuổi 20 và họ mang lại những khoảng
thời gian vui vẻ. Về cơ bản, bạn thân thời đại học của những người trong độ
tuổi 20, nhóm bạn thành thị, là những người ta gặp mặt vào cuối tuần. Ta
trút bầu tâm sự về những buổi hẹn hò tồi tệ hay những lần chia tay khi cùng
đi ăn và uống bia.
Tuy nhiên, khi tập trung tất cả sự chú ý vào nhóm bạn của mình, nhiều
người trong độ tuổi 20 đã tự hạn chế bản thân khi chỉ tụ tập với bạn bè có
tính cách giống mình. Một số gần như chỉ luôn liên hệ với đúng một vài
người. Dù nhóm bạn này giúp ta tồn tại, nhưng họ không giúp ta phát triển.
Nhóm bạn quen thuộc có thể mang súp đến cho ta khi ta ốm, nhưng chính
những người ta không quen thân – những người chưa từng gia nhập nhóm
bạn với ta – mới nhanh chóng và mạnh mẽ thay đổi cuộc đời ta theo hướng
tốt đẹp hơn.
Trong một công trình nghiên cứu có trước Facebook hơn 25 năm, nhà xã
hội học kiêm giáo sư trường Stanford, Mark Granovetter, đã thực hiện một
trong những nghiên cứu đầu tiên và nổi tiếng nhất về mạng xã hội.
Granovetter tò mò về cách các mạng lưới thúc đẩy dịch chuyển xã hội, về
cách mà những người trong cuộc đời đưa ta đến với các cơ hội mới. Khi
khảo sát những công nhân ở ngoại ô Boston mới thay đổi công việc,
Granovetter phát hiện ra rằng bạn thân và gia đình – được cho là những
người sẵn sàng giúp đỡ ta nhất – không phải là những người có vai trò quan
trọng nhất khi ta tìm việc. Thay vào đó, hơn 3/4 số công việc mới đến từ
mối liên hệ với những người mà ta chỉ “thỉnh thoảng” hay “hiếm khi” gặp.
Phát hiện này đưa Granovetter đến chỗ viết một nghiên cứu mang tính đột
phá với tựa đề Sức mạnh của những mối quen sơ, liên quan đến giá trị đặc
biệt của những người không thân quen.