bỏ không đọc những công trình không trực tiếp liên quan tới chuyên ngành
của mình và không biết tới nhiều thứ. Ông giải thích với tôi là trong toán
học ngày nay, chuyên môn hóa sâu tới mức giữa các nhánh khác nhau có
một sự ngăn cách tới mức ông theo dõi việc bảo vệ một luận án sinh học dễ
dàng hơn giáo trình của một đồng nghiệp về một lĩnh vực toán học xa lạ đối
với ông. Ông nghĩ là một nhà nghiên cứu không bị tách khỏi hoạt động
nghiên cứu thì duy trì được trong một thời kỳ khá dài khả năng làm những
công việc phát minh; nhưng ông lúng túng trước những trở lực về nhận
thức luận mà lớp trẻ không biết tới. Ngày nay, không thể có một Évariste
Galois: muốn chế ngự những của cải của tòa lâu đài toán học hiện đại, phải
ở tuổi từ 25 đến 30. Đấy là lớp tuổi thuận lợi nhất cho phát minh, sáng tạo.
Về sau, người ta thường bị ức chế. Khi biết rằng không một ai có thể chứng
minh cái đúng đắn hay cái sai lầm của một định lý nhất định, và bản thân
từng nỗ lực một cách vô ích, thì người ta cho là nếu khăng khăng theo con
đường ấy là mất toi thì giờ và người ta quyết định bỏ rơi. Galois đã vấp
phải trường hợp ấy cách đây mười một năm. Vả lại, một nhà toán học Nga
đã bảo ông là ông ấy đã giải quyết xong vấn đề. Ông lại vẫn lao vào công
việc: khi đã biết là có thể tìm ra, thì không thể đặt vấn đề bỏ qua nữa. Và
ông đã tìm ra; và tìm ra rất nhanh, bằng cách đối chiếu một cách đơn giản
hai định lý mà ông nắm được hoàn toàn. Ông bảo tôi là trường hợp này rất
thường xảy ra. Về điểm này, thanh niên rất có lợi thế. Họ thường không
biết rằng nhiều người khác đã vỡ đầu về vấn đề khiến họ quan tâm; họ đề
cập tới nó một cách tin tưởng; và họ có đủ thì giờ trước mắt, họ không tìm
cách tiết kiệm sức lực.
Chủ yếu − theo lời người đối thoại với tôi − quá khứ đè nặng lên nhà
khoa học cao tuổi, dưới dạng những thói quen tinh thần và những mối quan
tâm về ý thức hệ. Ngày nay, toán học đổi mới theo một tốc độ chóng mặt và
sự đổi thay liên quan tới toàn bộ bộ máy. Vấn đề đặt ra là mỗi lần phải học
tập một ngôn ngữ triệt để khác. Dĩ nhiên, sở dĩ người ta thích nó hơn ngôn
ngữ cũ là vì nó thích hợp hơn, nhanh hơn, và nó tạo thuận lợi cho sự tìm
tòi. Ai không quyết định áp dụng nó thì bắt buộc phải diễn tả những chân lý