Bằng rồi. Có đàn tính phảy phảy chỗ ấy, thong thả, từng tiếng lững lờ.
Cánh Đông Khê về chợ bao giờ cũng xách đàn theo.
Chẳng có gì mà phiên chợ nào cũng đông. Mùa đào Mẫu Sơn, các làng
Dao xuống chợ. Lê vườn Thoát Lãng, mật ong rừng Bình Thành, mận vườn
Tràng Định theo trai gái Tày về chợ. Những cô Nùng đất đồi trọc Lộc Bình
khéo tay, đem về tấm vải chàm mới. Mấy anh trai Đông Khê chịu khó quảy
ghế trúc bên Cao Bằng về tranh khách nghề trúc Cao Lộc. Mùa nào thức ấy,
họ đem các thức ra chợ bán lấy cái ăn đường. Chẳng có gì thì ngày mùa
cũng đeo túi đi tay không về. Tuổi trẻ bao giờ cũng ao ước vui chơi.
Hai anh thanh niên Nùng đi rải truyền đơn qua chợ, bảo nhau: “Đứa vui
hay đứa buồn thì rồi cũng thấy giấy của cách mệnh gọi cả”. Nói thế rồi
thích chí, hai chàng Khén Chang và Khì Chang cũng chen vào hát đối đến
tận sáng. Cũng để đợi Mã Hợp nhân thể. Tiếc không còn tờ truyền đơn mà
cho anh nào ở đây biết chữ đem về đọc to lên cùng nghe. Tối như bưng
mắt, chẳng ai trông thấy ai, giá có mật thám ngồi lẫn cũng không thể biết ai
đưa cách mệnh đến được.
Tảng sáng, đông người các nơi đến đã ồn ào cả bốn nách chợ. Sao chưa
thấy Mã Hợp trở lại. Rồi sáng bạch ra hẳn.
Bỗng xôn xao đằng kia tiếng ai nói: “Có giấy hội kín! Cồ giấy hội kín!”.
Rồi ầm ầm như vỡ chợ. Những người nhút nhát nhớ chuyện năm nào quân
ông đội Ấn vào đánh tỉnh cũng bắn súng đánh nhau với Tây từ sáng sớm
thế này. Càng rối lên. Cả bốn cầu chợ Kỳ Lừa tan tác, không nghe tiếng
súng mà sao nhốn nháo thế. Rồi vỡ chợ.
Tiếng đồn khắp Lạng Sơn có cộng sản đưa giấy về lấy tỉnh như bên Long
Châu rồi.
Trong khi đó, hai người bình tĩnh chạy len chân ngược sang tỉnh. Chỉ để
tò mò xem lại những chỗ đêm qua rải truyền đơn. Vừa qua cửa ga, thấy
đám lính bồng súng rầm rập toả ra. Trông lên đầu đường đã thấy đội cu-lít
đứng dăng hàng liền khít khuỷu tay. Không dám đi nữa, không chờ Mã
Hợp nữa, họ tạt vào nhà ga, đợi tàu ngược.