MỞ ĐẦU
Nửa đêm kia, có một người Nùng ở một xóm khuất bên dốc Keng Vài
bỗng thức giấc.
Rõ ràng, trong bóng tối mà mắt trông thấy được, cuồn cuộn thành luồng
luồn qua những khe tường đất bên nách cửa, có một mùi ấm và thơm lạ
lùng. Chẳng mấy chốc mùi thơm đã đầy nhà, nồng nàn đến tận chân tóc.
Người ấy lẩm nhẩm một mình:
– Đến mùa hái hồi rồi.
Thằng con nằm cạnh bố cũng ngồi nhỏm dậy. Nó hỏi:
– Bố sắp phải đi trèo hồi, bốn hỉ?
Bố nói:
– Mai đi sớm thôi. Trèo hồi còn kịp lấy cái Tết r tháng bẩy này về cho
mày.
Thằng bé ngẩn ngơ reo lên:
– Sướng lắm nhỉ?
Buổi sáng, tất cả mọi người đều đổ ra đường. Ai cũng đứng ngửng lên
cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm trên
các quả đồi quanh làng. Những cơn gió sớm đẫm mùi hồi, từ các cánh đồng
Thất Khê, lùa lên những hang đá Văn Uyên, Thoát Lãng trên biên giới
xuống Cao Lộc, Chi Lăng, qua những vùng hồi mà một mảnh lá gãy cũng
dậy mùi thơm, gió càng thơm ngát. Sông Kỳ Cùng đã nhạt hết màu đục đỏ
bối rối suốt mùa lũ, bây giờ con sông ủ mùi thơm trong vắt lượn, quanh co
khắp đất Lạng Sơn vào mùa hồi chín.
Lại đến mùa hái hồi!
Có những ông già người Nùng Cháo, đến mùa thì theo mùi hồi chín đi
bán rượu. Người vác chảo, đội đõ, người đeo hũ. Ngả chảo rồi bệ cái đõ