V
Bấy giờ là cuối tháng giêng âm lịch năm một nghìn chín trăm ba mươi
(1930).
Cái Tết năm nay đã về Lũng Nghìu vướng phải sương mù và rét buốt,
đến chậm chạp.
Giữa tháng giêng mà những làng ở khuất hẻm núi vẫn nghe tiếng đàn
tích phảy phảy trong đêm khuya của những cô then nghèo bị những cô then
tài sắc tranh hết khách, nên ít được đám gọi, phải đi cúng chậm ở những
xóm nhỏ còn sót lại mấy nhà túng bây giờ mới chạy được gà và rượu.
Mã Hợp cõng củi xuống chợ từ mùng bốn Tết - ngàv mở chợ.
Về qua trấn Lũng Vài, tạt vào mua ngụm rượu uống. Xem mở đố chữ,
cho ấm bụng, rồi xem then, ở Lũng Nghìu không có then vào bao giờ.
Ở Lũng Vài năm ấy rất nhiều người qua lại, cái Tết lộn xộn khác hẳn
mọi năm. Lũng Nghìu như cái hũ tối, chẳng trông thấy gì, nhưng Lũng Vài
thì khác, người có ý, xem cảnh trấn Lũng Vài mỗi năm cũng thấy ra thời
thế được.
Ngày ngày, người các nơi đổ đến lại cuốn đi, như sóng đánh bờ đá,
không ai biết mặt ai. Bọn buôn bò ở Lạng Sơn sang. Bọn lái tép đi nhặt hồi.
Các tay buôn kếch xù ở Hồng Kông mò xuống cùng với đại lý buôn thuốc
phiện của công ty Việt Điền. Năm mới, họ chưa vào làng lùng hàng mà còn
nằm đánh bạc, hút thuốc ngoài trấn để nghe mối các nơi ra bàn bạc giá cả.
Không thể biết có bao nhiêu tay buôn thuốc phiện và súng lậu hay những
người nào là tai mắt của kẻ cướp cho về nắm tin tức, hòng chõm một
chuyến có thể làm ăn bẫm đầu năm - có khi vớ được ngay đầu ngõ, ngay
trong phố. Vì vậy, mỗi sòng bạc, mỗi quán cao lâu lại phải thuê bóng vía và
núp oai kẻ cướp để giữ tiếng cho cửa hàng mình. Còn lô cốt Ải Khẩu, còn
quân quan trấn ải Nam Quan, mỗi lần có lính đi tuần qua hay xuống chơi -