Thiên thể này được xác định không thông qua quan sát trực tiếp bằng kính viễn
vọng mà do dùng máy tính giải các phương trình Newton. Tuy sự hiện diện của
hành tinh này chưa được xác nhận, nhưng nhiều nhà thiên văn tin rằng dữ liệu
trên là đáng tin cậy bởi trong quá khứ cũng từng có hành tinh mới được phát hiện
theo cách tương tự. Hồi thế kỷ 19, người ta phát hiện thấy quỹ đạo Sao Thiên
Vương hơi chệch khỏi những dự đoán theo các định luật Newton, tức là hoặc
Newton đã sai, hoặc có một thiên thể ở xa hơn tác động lên Sao Thiên Vương.
Các nhà khoa học tính toán vị trí của hành tinh trong giả thuyết này và tìm thấy
nó vào năm 1846, chỉ sau vài giờ quan sát. Thiên thể đó được gọi tên là Sao Hải
Vương. (Các nhà thiên văn cũng từng nhận thấy Sao Thủy đi lệch khỏi quỹ đạo
dự kiến. Họ phỏng đoán rằng có một hành tinh khác hiện diện trên quỹ đạo Sao
Thủy và đặt tên cho nó là Vulcan. Nhưng sau nhiều cố gắng, không có hành tinh
Vulcan nào được tìm ra. Albert Einstein nhận thấy các định luật Newton có thể có
thiếu sót và ông chứng minh quỹ đạo Sao Thủy có thể được giải thích bằng một
tác động hoàn toàn mới là độ cong không-thời gian theo thuyết tương đối của
ông.) Ngày nay, máy tính tốc độ cao áp dụng phương trình Newton có khả năng
phát hiện thêm nhiều “cư dân” ở Vành đai Kuiper và Đám mây Oort.
Các nhà thiên văn nghi ngờ Đám mây Oort có thể trải dài cách Hệ Mặt Trời đến
ba năm ánh sáng, bằng hơn nửa chặng đường đến hệ sao gần nhất là Centauri,
gồm ba ngôi sao và cách Trái Đất hơn bốn năm ánh sáng. Nếu hệ sao Centauri
cũng được đám mây sao chổi bao quanh thì ta sẽ có hẳn một dãy sao chổi kết nối
với Trái Đất. Chúng ta có thể thiết lập hàng loạt trạm nhiên liệu, căn cứ và trạm
trung chuyển trên xa lộ liên sao khổng lồ này. Thay vì nhảy thẳng đến ngôi sao
tiếp theo, ta có thể đặt mục tiêu khiêm tốn hơn: “nhảy cóc” từ từ đến hệ sao
Centauri. Con đường này sẽ là một dạng Quốc lộ 66
của vũ trụ.
Việc thiết lập xa lộ sao chổi không hề phi thực tế như mới thoạt nghe. Các nhà
thiên văn đã xác định được khá rõ thông tin về kích thước, độ bền vững và cấu
tạo các sao chổi. Khi sao chổi Halley bay ngang qua Trái Đất năm 1986, giới
thiên văn đã phóng một đội tàu vũ trụ lên chụp ảnh và phân tích nó. Ảnh chụp
cho thấy một lõi nhỏ, rộng chừng 16 km, hình dáng như củ lạc (nghĩa là một lúc
nào đó trong tương lai nó sẽ gãy đôi và trở thành một cặp sao chổi). Ngoài ra, các
nhà khoa học đã đưa được nhiều tàu thăm dò bay xuyên qua đuôi nhiều sao chổi,