loại. Loài người trở thành những đám lang thang, rách rưới, cố dùng chiến thuật
du kích để chống trả sức mạnh đáng sợ của máy móc.
Liệu có phải Hollywood chỉ đang cố gắng bán vé bằng cách hù dọa người xem?
Hay những gì trên phim thực sự sẽ xảy ra? Câu hỏi này khá gai góc do quan niệm
của chúng ta về tự nhận thức và ý thức vẫn bị bao phủ giữa quá nhiều lý luận về
đạo đức, triết học và tôn giáo, tới mức chúng ta không có khung quy ước vững
chắc để hiểu được những quan niệm đó. Trước khi bàn tiếp về trí tuệ máy móc, ta
cần xây dựng định nghĩa rõ ràng về tự nhận thức.
LÝ THUYẾT Ý THỨC KHÔNG-THỜI GIAN
Tôi từng đề xuất một lý thuyết gọi là ý thức không-thời gian. Đây là lý thuyết có
thể kiểm nghiệm, tái lập, phủ định và lượng hóa. Nó không những định nghĩa
được tự nhận thức mà còn cho phép chúng ta lượng hóa khái niệm này trên thang
đo.
Lý thuyết của tôi bắt đầu với quan niệm rằng dù là động vật, thực vật hay thậm
chí máy móc, tất cả đều có thể có ý thức. Theo tôi, ý thức là quá trình lập mẫu
chính mình bằng nhiều vòng lặp phản hồi – trong không gian, xã hội, thời gian –
nhằm thực hiện một mục tiêu nào đó. Để đo đạc ý thức, ta chỉ cần đếm số lượng
và loại hình vòng lặp phản hồi mà chủ thể cần để lập được mẫu của chính nó.
Đơn vị nhỏ nhất của ý thức có ở ngay cả bộ điều nhiệt hay pin quang điện, bởi
chúng dùng một chu trình hồi tiếp để lập mẫu chính mình bằng nhiệt độ hoặc ánh
sáng. Một bông hoa có khoảng mười đơn vị ý thức do nó có mười vòng lập phản
hồi để đo đạc nước, nhiệt độ, hướng trọng lực, ánh sáng mặt trời, v.v.. Theo lý
thuyết của tôi, các vòng lặp này có thể nhóm lại tùy theo cấp độ ý thức. Bộ điều
nhiệt và hoa sẽ thuộc Cấp độ 0.
Cấp độ ý thức 1 bao gồm bò sát, ruồi giấm và muỗi - các loài lập mẫu chính mình
về không gian. Bò sát có nhiều vòng lặp phản hồi để xác định vị trí của con mồi,
bạn tình, kẻ thù tiềm năng và bản thân.