Công nghệ máy tính đã tiến bộ đến mức chúng ta có thể đưa toàn bộ một phòng
thí nghiệm khoa học vào một con chip. Tàu nano sẽ có thể mang theo cả máy
quay, bộ cảm ứng, bộ hóa chất và pin quang năng – tất cả đều được thiết kế để
phân tích kỹ lưỡng các hành tinh xa xôi rồi gửi thông tin radio về Trái Đất. Do
giá sản xuất chip máy tính đã giảm mạnh nên ta có thể phóng hàng ngàn con chip
lên các vì sao và hy vọng một vài trong số chúng sẽ đi được hết chặng đường
gian nan. (Đây là chiến lược bắt chước Mẹ thiên nhiên. Trong thiên nhiên, thực
vật thả hàng ngàn hạt vào gió để tăng khả năng phát tán, do chỉ có một số ít hạt sẽ
sống sót.)
Tàu nano bay vụt qua hệ sao Centauri ở tốc độ bằng 20% tốc độ ánh sáng sẽ chỉ
có vài giờ để hoàn thành nhiệm vụ. Trong khoảng thời gian đó, nó phải định vị
được những hành tinh giống Trái Đất rồi nhanh chóng chụp ảnh và phân tích để
xác định đặc điểm bề mặt, nhiệt độ và cấu tạo khí quyển các hành tinh này, đặc
biệt là phải tìm kiếm sự hiện diện của nước hoặc oxy. Nó cũng rà soát hệ sao để
tìm tín hiệu vô tuyến, từ đó xác định có nền văn minh ngoài hành tinh nào tồn tại
không.
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, đã công khai lên tiếng ủng hộ
Breakthrough Starshot. Và nhà đầu tư Nga kiêm cựu chuyên gia vật lý Yuri
Milner hứa đầu tư 100 triệu đô-la. Tàu nano giờ đã không còn chỉ là ý tưởng. Tuy
vậy, ta vẫn cần tính đến một vài trở ngại trước khi có thể tiến hành trọn vẹn dự
án.
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI BUỒM LASER
Để đưa một đội tàu nano đến Alpha Centauri, giàn phóng tại Trái Đất phải chiếu
một chùm laser có tổng công suất tối thiểu 100 gigawatt vào những chiếc dù của
tàu trong khoảng hai phút. Áp lực ánh sáng từ chùm laser sẽ đẩy tàu vào vũ trụ.
Chùm laser phải được ngắm với độ chính xác cực cao để đảm bảo tàu sẽ đi trúng
mục tiêu. Chỉ lệch một chút rất nhỏ cũng sẽ khiến nhiệm vụ thất bại.
Vấn đề chính ta phải đối mặt không phải là nền tảng khoa học – điều kiện này ta
đã có đủ – mà là huy động vốn, ngay cả khi đã có sự ủng hộ của một số nhà khoa