học và doanh nhân tên tuổi.
Xây dựng mỗi nhà máy điện hạt nhân tốn kinh phí khoảng vài tỷ đô-la và chỉ tạo
ra được một gigagwatt hay một tỷ watt năng lượng.
Quá trình xin cấp vốn từ nhà nước và tư nhân để xây dựng giàn phóng laser đủ
mạnh và chính xác thực sự là một nút thắt chưa thể tháo gỡ.
Để thử nghiệm trước khi nhắm đến những ngôi sao ở xa, các nhà khoa học sẽ đưa
tàu nano đến các địa điểm gần hơn trong Hệ Mặt Trời. Tàu nano chỉ mất năm
giây để tới Mặt Trăng, khoảng một tiếng rưỡi để đến Sao Hỏa và vài ngày thì đến
Sao Diêm Vương. Vậy là thay vì đợi mười năm để đến được các hành tinh vòng
ngoài, ta có thể thu thập thông tin mới về chúng chỉ trong vài ngày bằng tàu nano,
nhờ đó có thể quan sát gần như trực tiếp sự phát triển của Hệ Mặt Trời.
Ở giai đoạn tiếp theo, dự kiến ta sẽ lắp “súng” laser trên Mặt Trăng. Khi tia laser
đi qua khí quyển Trái Đất, khoảng 60% năng lượng bị thất thoát. Súng laser trên
Mặt Trăng sẽ giúp giải quyết vấn đề này, đồng thời các tấm pin quang năng trên
Mặt Trăng cũng sẽ giúp tạo ra năng lượng rẻ và dồi dào cho chùm laser. Một
ngày Mặt Trăng dài bằng 30 ngày Trái Đất, nên pin sẽ thu thập và tích trữ năng
lượng hiệu quả. Hệ thống này sẽ giúp ta tiết kiệm hàng tỷ đô-la, do ánh nắng Mặt
Trời không mất chi phí để tạo ra như năng lượng hạt nhân.
Tới khoảng đầu thế kỷ 22, công nghệ người máy tự nhân bản có lẽ đã hoàn thiện,
nên ta có thể giao phó cho máy móc việc xây dựng trại quang năng và giàn phóng
laser tại Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa. Ta sẽ mang theo một nhóm người
máy tiên phong, một số trong đó lo khai phá lớp đất mặt và xây nhà máy, số còn
lại lo giám sát việc phân loại, xay nghiền và nấu chảy nguyên liệu thô trong nhà
máy để tách lấy nhiều loại kim loại khác nhau. Kim loại tinh chế được dùng để
xây dựng trạm phóng laser và chế tạo nhóm người máy tự nhân bản mới.
Cuối cùng, ta sẽ có cả một mạng lưới các trạm chuyển tiếp nhộn nhịp khắp Hệ
Mặt Trời, có thể trải dài từ Mặt Trăng tới tận Đám mây Oort. Do các sao chổi
trong Đám mây Oort trải dài gần như suốt nửa con đường dẫn đến Alpha
Centauri và chủ yếu ở trạng thái tĩnh, nên chúng là địa điểm lý tưởng để dựng các
giàn phóng laser tiếp sức cho tàu nano trong hành trình đến hệ sao láng giềng.