Kepler-22b, nằm cách chúng ta 600 năm ánh sáng và to gấp 2,4 lần Trái Đất,
cũng đang được nghiên cứu. Quỹ đạo của nó nhỏ hơn Trái Đất 15% – nó đi một
vòng quanh sao mẹ hết 290 ngày - nhưng độ sáng của sao mẹ Kepler-22 lại kém
hơn Mặt Trời 25%. Hai điều kiện này bù trừ cho nhau, nên nhiệt độ bề mặt của
Kepler-22b được cho là tương đương Trái Đất. Nó cũng nằm trong vùng sinh
sống được.
Tuy nhiên, cho đến năm 2017, KOI 7711 mới là ngoại hành tinh được quan tâm
nhiều nhất, bởi nó sở hữu nhiều đặc điểm giống Trái Đất nhất. Nó lớn hơn Trái
Đất 30% và sao mẹ của nó rất giống Mặt Trời. Hành tinh này không có nguy cơ
bị “nướng chín” do lóa mặt trời. Một năm của nó và một năm Trái Đất gần như
dài bằng nhau. Nó nằm trong vùng sinh sống được của sao mẹ, nhưng ta chưa có
công nghệ để đánh giá khí quyển của hành tinh này có hơi nước không. Mọi điều
kiện có vẻ đều phù hợp để nuôi dưỡng sự sống. Tuy nhiên, ở khoảng cách 1.700
năm ánh sáng, nó là ngoại hành tinh xa nhất trong số ba hành tinh vừa đề cập.
Sau khi phân tích các ngoại hành tinh, giới thiên văn nhận thấy có thể chia chúng
làm hai loại. Một là các siêu Trái Đất (như trong ảnh trang bên) mà ta đã bàn tới.
Hai là các “Sao Hải Vương nhỏ”. Chúng là những hành tinh khí to gấp hai đến
bốn lần Trái Đất và không giống bất cứ hành tinh nào lân cận chúng ta; Sao Hải
Vương của Hệ Mặt Trời lớn hơn Trái Đất 17 lần. Mỗi khi một hành tinh nhỏ
được phát hiện, các nhà thiên văn đều cố gắng xác định nó thuộc loại nào, giống
như nhà sinh học phần loại một loài động vật mới thuộc lớp có vú hay bò sát.
Điều bí ẩn là siêu Trái Đất và Sao Hải Vương nhỏ không hiện diện trong hệ hành
tinh chúng ta nhưng lại rất phổ biến trong vũ trụ.