Gần đây, ngành công nghệ sinh học có bước tiến rất nhanh, với đỉnh điểm là sự
xuất hiện của một kỹ thuật mới có tên gọi CRISPR (clustered regularly
interspaced short palindromic repeats: nhóm các đoạn xuôi ngược ngắn lặp lại
thường xuyên và cách nhau đều đặn). Nhờ CRISPR, việc chỉnh sửa ADN hứa hẹn
sẽ rẻ, hiệu quả và chính xác. Trước kia, công nghệ gen rất chậm và thiếu chính
xác. Thí dụ, với liệu pháp gien, một “gen tốt” sẽ được đưa vào virus (virus đã
được vô hiệu hóa nên không gây hại). Sau đó virus được đưa vào bệnh nhân, nó
sẽ lan nhanh khắp các tế bào và “tiêm” vào ADN. Mục đích là ADN sẽ tự lắp vào
vị trí thích hợp giữa nhiễm sắc thể, sao cho mã lỗi trong tế bào sẽ được thay bằng
gen tốt. Một số bệnh thường gặp xảy ra do một lỗi duy nhất trong ADN, như
thiếu máu hồng cầu hình liềm, Tay-Sachs và xơ nang. Phương pháp này được kỳ
vọng sẽ sửa được lỗi ADN đó.
Tuy nhiên, kết quả điều trị thường gây thất vọng. Cơ thể người xem virus là kẻ
địch nên đã tổ chức phản công, gây ra phản ứng phụ có hại. Thêm nữa, gen tốt
cũng thường không tự cấy đúng vào vị trí chính xác. Sau một tai nạn chết người
tại Đại học Pennsylvania năm 1999, nhiều thí nghiệm về liệu pháp gen bị hủy bỏ.
Công nghệ CRISPR giúp giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp kể trên. Thật ra,
nền tảng công nghệ này đã xuất hiện từ hàng tỷ năm trước. Các nhà khoa học rất
ngạc nhiên khi thấy vi khuẩn phát triển cơ chế rất hữu hiệu để chống lại các đợt
tấn công của virus. Làm thế nào vi khuẩn lại phát hiện được virus nguy hiểm rồi
vô hiệu hóa chúng? Họ nhận ra vi khuẩn làm được vậy vì bên trong chúng có
mang một mảnh vật liệu gen của virus. Nhờ mảnh này, vi khuẩn sẽ nhận ra ngay
virus xâm nhập. Khi nhận ra chuỗi gen, và sau đó là virus, vi khuẩn sẽ cắt virus ở
vị trí chính xác, vô hiệu hóa chúng và ngăn chặn sự nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học đã bắt chước được cách này – thay thế thành công trình tự
virus bằng các dạng ADN khác rồi đưa vào tế bào đích – và cho ra đời phương
pháp “phẫu thuật gen”. CRISPR nhanh chóng thay thế các công nghệ gen cũ,
giúp việc chỉnh sửa gen trở nên sạch sẽ, chính xác và nhanh chóng hơn nhiều.
Cuộc cách mạng đưa ngành công nghệ sinh học phát triển như vũ bão. “Nó làm
mọi thứ thay đổi hoàn toàn.” Jennifer Doudna, một nhà tiên phong về CRISPR,