Họ cũng có thể dùng nhiệt này để nung quặng và mở ra ngành luyện kim. Nếu
biết chiết tách và đúc kim loại, họ sẽ xây dựng được các thành phố nơi đáy biển.
Tóm lại, họ hoàn toàn có thể tạo ra cách mạng công nghiệp dưới biển.
Cách mạng điện tưởng chừng như không thể, vì nước sẽ khiến hầu hết thiết bị
điện truyền thống bị ngắt mạch. Không có điện, công nghệ sẽ bị hạn chế và
không thể đạt đến đỉnh cao thần kỳ.
Tuy nhiên, ở đây, vẫn tồn tại giải pháp khả thi. Nếu loài thủy sinh này tìm được
sắt từ hóa ở đáy đại dương thì họ có thể chế tạo máy phát điện để vận hành máy
móc. Khi làm quay các nam châm này (có thể bằng luồng hơi nước bắn vào cánh
quạt tua bin), các electron sẽ được đẩy đi theo dây dẫn, tạo thành dòng điện. (Đây
cũng là cơ chế dùng cho đèn xe đạp và đập thủy điện). Họ sẽ có thể tạo ra máy
phát điện sử dụng nam châm kể cả khi ở dưới nước, nhờ đó bước vào kỷ nguyên
điện.
Cách mạng thông tin cùng với máy tính cũng khó tiến hành, nhưng không phải là
phi thực tế đối với loài thủy sinh. Giống như nước là môi trường hoàn hảo cho sự
sống khởi sinh, thì silicon có thể là nền tảng của công nghệ máy tính dựa trên con
chip. Dưới đáy đại dương có khả năng có silicon mà họ có thể khai thác, tinh chế,
rồi khắc để tạo ra con chip bằng tia cực tím, giống như cách chúng ta làm. (Để
chế tạo chip silicon, người ta chiếu ánh sáng UV qua một tấm khuôn chứa bản
phơi toàn bộ các chi tiết mạch trên chip. Tia UV và một loạt phản ứng hóa học sẽ
khắc lại một phiên bản nội dung trên miếng lát silicon, tạo nên các bóng bán dẫn
trên chip. Đây là quy trình căn bản trong công nghệ bán dẫn, hoàn toàn có thể
thực hiện dưới nước).
Như vậy, loài thủy sinh cũng có khả năng phát triển trí tuệ và kiến tạo xã hội
công nghệ hiện đại.
RÀO CẢN TỰ NHIÊN ĐỐI VỚI CÔNG NGHỆ NGOÀI HÀNH
TINH