Tại phòng thí nghiệm Đại học Clark, Goddard xác lập cấu trúc cơ bản cho mọi
tên lửa nhiên liệu hóa học. Mô hình ông thiết kế chính là tiền thân của những quái
vật sấm sét, cất cánh ầm ầm từ bệ phóng ngày nay.
THIÊN HẠ CHÊ CƯỜI
Thành công là vậy nhưng Goddard vẫn bị truyền thông quất cho tơi tả. Năm
1920, khi tin đồn lan truyền rằng Goddard đang nghiên cứu phương cách bay lên
không gian, báo New York Times đã đăng bài chỉ trích ông, với lời lẽ rất nặng nề;
bản lĩnh ông hẳn vững vàng lắm mới không suy sụp. “Ngài giáo sư Goddard có
‘ghế’ ở Đại học Clark,” tờ Times mai mỉa, “không biết về quan hệ giữa động lực
và phản lực. Thật khôi hài, giữa chân không thì lực phản bằng cách nào cơ chứ.
Cái ngài thiếu hẳn là kiến thức phổ thông hằng ngày ở bậc trung học.” Năm 1929,
sau khi Goddard phóng một hỏa tiễn, đến lượt tờ báo địa phương Worcester giật
tít sỉ nhục: “Tên lửa Mặt Trăng rơi cách mục tiêu 384.310 km”. Rõ ràng, giới báo
chí chẳng hiểu gì về định luật Newton. Họ tưởng tên lửa sẽ không thể di chuyển
trong môi trường chân không ngoài không gian.
Định luật ba của Newton
áp dụng cho cả việc du hành trong không gian. Luật
này khẳng định: đã có động lực thì tất có phản lực; hai lực có cùng độ lớn nhưng
ngược chiều nhau. Thí dụ, hãy quan sát một đứa trẻ thổi quả bóng bay, sau đó thả
ra, để bóng bay vòng vèo. Động lực ở đây chính là không khí đột ngột thoát khỏi
quả bóng, còn phản lực là chuyển động hướng về phía trước của chính quả bóng.
Tương tự, ở hỏa tiễn, động lực là luồng khí nóng thải ra đằng đuôi, phản lực là
chuyển động bay lên của hỏa tiễn, trong môi trường chân không cũng vậy.
Năm 1969, chứng kiến phi thuyền Apollo đáp xuống Mặt Trăng, ban biên tập
New York Times buộc phải đăng lời cáo lỗi. Họ viết: “Thực tế giờ đây đã rõ. Hỏa
tiễn có thể hoạt động cả trong khí quyển lẫn chân không. Tạp chí Times rất tiếc vì
sai sót của mình.” Goddard không đọc được những lời trên, ông đã qua đời năm
1945.