không thể khẳng định lỗ sâu có ổn định hay không. Để tính toán hiệu chỉnh lượng
tử của lỗ sâu, ta cần một lý thuyết là tổng hợp của thuyết tương đối và thuyết
lượng tử.
LÝ THUYẾT DÂY
Đến nay, ứng cử viên hàng đầu (và duy nhất) để giải quyết vấn đề trên là lý
thuyết dây. Theo thuyết này, tất cả vật chất và năng lượng trong vũ trụ đều cấu
thành từ những dây rất nhỏ. Mỗi rung động của dây tương ứng với một hạt hạ
nguyên tử khác nhau. Như vậy, electron không phải hạt điểm. Nếu dùng siêu kính
hiển vi, bạn sẽ thấy nó không phải một hạt, mà là một dây rung động. Electron
trông giống hạt điểm chẳng qua vì dây rất nhỏ.
Khi dây rung động theo các tần số khác nhau, nó sẽ tương ứng với các hạt hạ
nguyên tử khác nhau như hạt quark, muon, neutrino, photon, v.v.. Đó là lý do
cộng đồng vật lý tìm ra được nhiều hạt hạ nguyên tử như vậy. Hiện đã có hàng
trăm loại, bởi chúng thật ra chỉ là những rung động khác nhau của một dây rất
nhỏ. Theo cách này, lý thuyết dây có thể giải thích thuyết lượng tử của các hạt hạ
nguyên tử. Theo đó, khi chuyển động, dây làm cong không-thời gian, đúng như
Einstein đã dự đoán. Như vậy, lý thuyết dây hợp nhất rất vừa vặn thuyết tương
đối và thuyết lượng tử.
Điều này có nghĩa hạt hạ nguyên tử giống như nốt nhạc. Vũ trụ là bản giao hưởng
các dây, vật lý là sự hài hòa của các nốt và “ý của Chúa” mà Einstein theo đuổi
suốt nhiều thập niên là âm nhạc vũ trụ ngân vang qua siêu không gian.
Vậy lý thuyết dây loại trừ những hiệu chỉnh lượng tử vốn đã làm điêu đứng giới
vật lý suốt nhiều năm như thế nào? Nó sở hữu một tính chất gọi là “siêu đối
xứng”. Theo đó, mỗi hạt đều có một siêu hạt đối trọng. Thí dụ, electron có
“selectron”, quark có “squark” (s là viết tắt của super, tức “siêu”). Như vậy ta có
hai dạng hiệu chỉnh lượng tử, một đến từ các hạt và một đến từ các siêu hạt. Vẻ
đẹp của lý thuyết dây là hiệu chỉnh lượng tử từ hai dạng hạt này sẽ triệt tiêu nhau.