Tuy lý thuyết dây rất đẹp và rất mạnh, nhưng vẫn chưa đủ; nó còn phải đối mặt
với thử thách cuối cùng, đó là thử nghiệm.
NHỮNG CHỈ TRÍCH ĐỐI VỚI LÝ THUYẾT DÂY
Tuy lý thuyết dây có vẻ hấp dẫn và đầy sức thuyết phục, nhưng nó vẫn gặp phải
một số chỉ trích xác đáng. Thứ nhất, năng lượng mà lý thuyết dây (hay bất kỳ lý
thuyết vạn vật nào khác) dùng để thống nhất mọi khía cạnh vật lý là năng lượng
Planck, nhưng chưa có máy móc nào trên Trái Đất đủ mạnh để thử nghiệm nó
một cách nghiêm ngặt. Để khảo chứng trực tiếp, chúng ta sẽ phải tạo ra một vũ
trụ con trong phòng thí nghiệm, mà điều này nằm ngoài tầm với của công nghệ
hiện tại.
Thứ hai, giống như mọi lý thuyết vật lý, lý thuyết dây có nhiều hơn một nghiệm.
Chẳng hạn, phương trình ánh sáng Maxwell có vô số nghiệm. Đây không phải
vấn đề vì mỗi khi bắt đầu tiến hành một thí nghiệm, ta đều phải xác định rõ mình
nghiên cứu cái gì, dù đó là bóng đèn, tia laser hay tivi. Với những điều kiện ban
đầu đó, ta sẽ giải được phương trình Maxwell. Nhưng nếu đây là lý thuyết về vũ
trụ, thì các điều kiện ban đầu là gì? Các nhà vật lý tin rằng một “thuyết vạn vật”
sẽ tự quyết định điều kiện ban đầu, tức là điều kiện ban đầu của vụ nổ Big Bang
phải đến từ bản thân học thuyết. Nhưng lý thuyết dây không cho biết nghiệm nào
trong số nhiều nghiệm của nó là nghiệm chính xác cho vũ trụ của chúng ta. Do
không có điều kiện ban đầu, nên lý thuyết dây chứa trong nó vô số vũ trụ song
song, gọi là đa vũ trụ và vũ trụ nào cũng “hợp lệ”. Quả là bối rối khi lý thuyết dây
lại dự đoán không chỉ riêng vũ trụ quen thuộc với chúng ta mà còn vô số vũ trụ
khác nữa.
Thứ ba, có lẽ dự đoán đáng kinh ngạc nhất của thuyết dây là vũ trụ hoàn toàn
không phải bốn chiều, mà có tới tổng cộng mười chiều. Lịch sử vật lý chưa từng
có dự đoán nào kỳ lạ như vậy: một lý thuyết không-thời gian mà các chiều được
tự chọn. Vì quá kỳ lạ, nên ban đầu nó bị nhiều nhà vật lý xem như khoa học viễn
tưởng. (Khi lý thuyết dây mới được đề xuất, việc nó chỉ có thể tồn tại trong mười
chiều đã bị đem ra chế giễu. Richard Feynman, người từng giành giải Nobel, đã