Khách du lịch sẽ quan tâm nhất đến hai chỏm băng địa cực khổng lồ tại Hành
tinh đỏ. Băng trên Sao Hỏa gồm hai loại và có cấu tạo khác băng ở Trái Đất. Một
loại hình thành từ nước đóng băng, tồn tại vĩnh viễn và hầu như quanh năm
không thay đổi. Loại thứ hai là băng khô hay cacbon điôxít đóng băng, sẽ mở
rộng hoặc thu hẹp tùy theo mùa. Vào mùa hè, băng khô bay hơi và biến mất, chỉ
còn hai cực băng cấu tạo từ nước. Vì vậy, hình dạng hai cực băng sẽ thay đổi tùy
vào thời điểm trong năm.
Trong khi bề mặt Trái Đất luôn luôn biến đổi thì địa hình cơ bản của Sao Hỏa
không thay đổi qua hàng tỷ năm. Do đó, Sao Hỏa có những đặc điểm mà Trái Đất
không có, như tàn tích của hàng ngàn hố thiên thạch khổng lồ cổ xưa. Trái Đất
cũng từng có các hố thiên thạch khổng lồ, nhưng nước đã làm xói mòn và khiến
nhiều hố biến mất. Hơn nữa, cứ vài trăm triệu năm, hoạt động kiến tạo lại diễn ra
làm phần lớn bề mặt Trái Đất thay đổi, nên các hố thiên thạch cổ đều biến thành
dạng địa hình khác. Trong khi đó, quang cảnh trên Sao Hỏa là quang cảnh đã
đóng băng theo thời gian.
Trên một số phương diện, chúng ta hiểu biết về bề mặt Sao Hỏa còn nhiều hơn bề
mặt Trái Đất. 3/4 bề mặt Trái Đất là đại dương bao phủ, còn Sao Hỏa không có
đại dương. Các tàu thăm dò bay quanh Sao Hỏa đã chụp ảnh được từng mét
vuông bề mặt hành tinh này và cung cấp cho ta bản đồ địa hình chi tiết. Băng,
tuyết, bụi và các đụn cát trên Sao Hỏa kết hợp với nhau tạo nên những hình thế
địa chất chưa từng thấy trên Trái Đất. Đi bộ ngang qua địa hình Sao Hỏa sẽ là
giấc mơ của các “phượt thủ”.
Một chướng ngại dễ thấy ngăn trở việc đưa Sao Hỏa trở thành địa điểm du lịch là
những cơn lốc bụi quái ác hoành hành gần như hằng ngày trên khắp các sa mạc.
Lốc trên Sao Hỏa có khi vươn cao hơn núi Everest, khiến lốc địa cầu chỉ như
những chú lùn cao vài chục mét. Bên cạnh lốc, còn có bão cát khổng lồ phủ lớp
cát dày lên toàn bộ Sao Hỏa suốt nhiều tuần. Nhưng chúng không gây thiệt hại
lớn do áp suất khí quyển Sao Hỏa thấp. Với các phi hành gia, gió giật 150
km/trên giờ ở Sao Hỏa sẽ chỉ như gió 15 km/giờ. Chúng có thể gây phiền hà, như
thổi bụi vào đồ vũ trụ, máy móc, xe cộ và gây hỏng hóc, hư hại, nhưng sẽ không
tàn phá được các tòa nhà và công trình.