Thái thú Thư Dương Hứa Viễn liền cầu cứu phòng ngự sứ Ung Khâu
Trương Tuần.
***
Lại nói Trương Tuần ở Ung Khâu có Nam Tễ Vân cùng Lôi Vạn Xuân theo
đến làm lang tướng dưới trướng. Lúc Minh Hoàng xa giá vào Thục, tướng
giặc là Lệnh Hồ Triều tiến đánh Ung Khâu, Trương Tuần dẫn hai tướng
Nam, Lôi cùng quân sĩ tận lực chống cự. Lệnh Hồ Triều vốn là đồng học
của Trương Tuần, bèn viết thư gửi, kể lại quan hệ thân thuộc cũ, rồi tiếp:
"Thiên hạ mất còn là chuyện chưa thể đoán nổi, nhưng giữ một chiếc thành
con như thế này liệu có ích gì, chi cho bằng hàng đi là hay hơn cả".
Dưới trướng họ Trương có sáu viên đại tướng, cũng khuyên Trương nên
đầu hàng. Trương Tuần giận dữ, bày họa tượng Thiên tử trên cao, rồi dẫn
quân sĩ vái lạy, khóc lóc, khuyến dụ nghĩa lớn một hồi, ai nấy đều phấn
khích. Trương Tuần chém đầu sứ giặc, cùng cả sáu viên đại tướng khuyên
hàng. Vì vậy lòng người càng nhất tâm đồng chí, chống giữ. Trong thành
thiếu tên, họ Trương liền sai vặn hơn một nghìn người bằng rơm cỏ, cho
khoác áo đen, nhân lúc trời tối thòng dây xuống chân thành, quân giặc nghi
ngờ hoảng sợ, bắn ra như mưa, nên lấy được vô số tên tốt.
Tối hôm sau, vẫn cứ thả người rơm xuống như cũ, quân giặc đều cười
nhưng lại không phòng bị gì nữa. Trương Tuần liền tuyển lấy năm trăm
dũng sĩ, nhảy xuống, đâm thẳng vào trại giặc. Giặc đang lúc bất ngờ, phải
bỏ trại chạy, bị giết rất nhiều. Lệnh Hồ Triều phẫn uất thân tự đôn đốc lính
đánh thành. Trương Tuần sai Lôi Vạn quân lên mặt thành xem xét. Lúc này
Vạn Xuân đã nghe tin anh Hải Thanh tuẫn tiết, mười phần thương xót,
nghiến răng trừng mắt lên mặt thành, không ngờ quân giặc liên tiếp bắn lên.
Vạn Xuân trúng luôn năm sáu phát tên vào mặt, nhưng vẫn đứng như trời
trồng không suy suyển. Từ xa Lệnh Hồ Triều nhìn, mới ngờ là người gỗ,
đến khi thấy tay nhổ lên, máu loang đầy mặt, mới biết đó là Lôi Vạn Xuân,
vô cùng kính phục.