vậy!
Tử Yên vội kéo Đình Đình đến bên cạnh Vương Nghĩa, cùng làm lễ. Sau
đó Tử Yên bước ra lạy Nghĩa Thần bốn lạy. Nghĩa Thần sai người nhà bày
ra bốn bàn tiệc rượu, rồi lên tiếng:
- Đáng ra cũng muốn xin mời các phu nhân vào trong để khoản đãi, nhưng
ở đây chỉ là cảnh rừng núi dân dã, cơm rau rượu quê, nào phải sang trọng
gì. Phương chi cũng còn có chuyện muốn nói, nên xin hãy ngồi tạm ở thảo
đường này cả, để mọi người được nâng chén cùng nhau.
Sa phu nhân cùng Triệu Vương ngồi một bàn, các phu nhân Tần, Địch, Hạ,
Lý, cùng Dã Nhi, Đình Đình với Tử Yên ngồi hai bàn, Vương Nghĩa cùng
Nghĩa Thần ngồi một bàn. Rượu được ba tuần, Vương Nghĩa nói với Nghĩa
Thần:
- Lão tướng quân tuổi đã cao, mà vẫn còn thích dậy sớm, để may mắn tiểu
nhân gặp được, khỏi phải hỏi thăm lôi thôi!
Nghĩa Thần đáp:
- Cũng chẳng phải ta thường dậy sớm đâu, mà chính tiên đế dã tới trước để
báo tin, cho nên vội trở dậy ra cửa chờ đón vậy thôi!
Triệu Vương vội hỏi:
- Tiên đế báo tin ra sao?
Nghĩa Thần đem chuyện tối qua kể lại tỉ mĩ, các phu nhân khóc sướt mướt.
Nghĩa Thần nói với Triệu Vương:
- Lão thần từ ngày bị đuổi về, làm một ông già thôn quê, chẳng hề ngó nhìn
đến việc ngoài cửa, không ngờ tiên đế linh hiển, chẳng khác được giao phó
công việc trước điện rồng. Thừa ơn Triệu Vương cùng các phu nhân giáng
lâm nơi lều cỏ này, không phải lão thần này dám phụ tiên đế cùng Triệu
Vương, nhưng ở nơi lều cỏ nhà tranh này, tường thấp mái dột, không phải
là nơi cho rồng phượng ẩn náu, lỡ có chuyện gì sai sót, làm thế nào mà cứu
chữa, mà chỉ có thể trú chân ba bốn ngày. Lâu hơn nữa thì sợ sinh biến vậy.
Sa phu nhân cất lời:
- Thế thì bây giờ nên chọn nơi nào?