Chờ đến sáng ngày, Đường Công lên điện, tạ ơn Như Lai, khắp gia quyến
đều có mặt. Sau đó lại tới phòng phu nhân vấn an. Sư cụ Ngũ Không, dẫn
chúng tăng, đem câu đối, viết trên giấy hồng đều đến mừng. Đường Công
băn khoăn nói:
- Thưa trưởng lão! Ta vốn ở nhờ nhà chùa, lại gặp việc khai hoa này, chỉ sợ
làm ô uế sự thanh tịnh của cửa thần, tội đều ở hạ quan này, có gì vui đâu mà
dám nhận lời mừng của quý vị chúng tăng.
Bèn sai gia đinh lấy mười lạng bạc ra gửi sư cụ, nhờ nhà chùa sắm các loại
trầm hương, tốc hương, đàn hương, để đốt ở khắp các điện, giải trừ uế
huyết. Đường Công lại hỏi sư cụ:
- Ta trông cảnh chùa tuy có tráng lệ, nhưng đã thấy có nhiều chỗ đã đổ nát
hư hỏng, cũng muốn sửa sang ít nhiều. Không biết ý trưởng lão thế nào?
Sư cụ thưa:
- Bần tăng từ lâu đã định làm việc này, nhưng chỉ cần sửa chữa nhỏ cũng
phải có hàng nghìn lạng bạc, sửa lớn thì không thể dưới vạn lạng, nếu
không gặp được bậc đại thí chủ, mà chỉ là những khách đàn việt bình
thường, bần tăng nào dám kêu ca, nên cũng không nghĩ đến chuyện hưng
công tu tạo được.
Đường Công nói:
- Ta sẽ làm đại thí chủ cho trưởng lão. Cũng chằng cần trưởng lão kêu ca,
ngay khi về đến Thái Nguyên, ta sẽ sai người đem tiền bạc tới.
Liền sai người đem nghiên bút, sư cụ bảo mấy chú tiểu giăng ra một tấm
lụa hồng lớn, có thêu kim tuyến. Đường Công cầm bút, nhúng đẫm mực
viết một hàng chữ lớn: "Tín quan Lý Uyên, nguyện dâng cho vạn lạng bạc
trùng tu Vĩnh Phúc Tự, tái tạo kiên thân điện tượng". Sư tiểu đứng nhìn,
không ai là không lắc đầu lè lưỡi, cùng nhau bàn tán:
- Có mua sắm bao nhiêu vật liệu, rồi thuê thợ làm vẽ vời hoa lá đi nữa,
cũng chẳng tài nào hết chừng ấy bạc.
Lại có người nói:
- Ta tính nhà chùa một ly cũng chẳng có, cứ chờ quyên giáo từng tiền, từng
lạng, thì đừng nói một vạn lạng, mà ngay chỉ khoảng năm sáu trăm lạng
cũng chẳng bao giờ có được.