- Đương nhiên rồi, con cứ tặng đi! Cả áo khoác nữa.
Chieko quay đi. Nàng muốn giấu những giọt lệ biết ơn rưng rưng trên
mắt.
*
Vì sao người ta lại gọi một trong các dạng máy dệt tay là “takabata”? Lẽ
tất nhiên là bởi nó cao hơn máy thường. Song nó cũng còn có một đặc điểm
khác. Người ta đặt takabata ngay xuống đất, sau khi đã san bằng lớp phía
trên mặt nền. Nghe nói, hơi ấm từ đất toát ra làm cho sợi mềm và dai hơn.
Thời xưa, đứng máy takabata phải hai người, trong đó một người ngồi chót
vót lên trên để làm đối trọng.
Giờ thay cho người đó là chiếc bị đựng đá nặng treo bên cạnh.
Ở Kyoto có những xưởng dệt dùng đồng thời cả máy dệt tay takabata, cả
máy cơ khí...
Xưởng của Xoxuke - cha Hideo - được coi là loại vừa ở quận Nhixidgin,
nơi có bao nhiêu là những xưởng chỉ bé tí tẹo. Hideo với hai người em trai
anh làm ba máy dệt tay. Thỉnh thoảng cả Xoxuke cũng ngồi vào máy.
Hideo nhìn mặt vải có hoa văn của chiếc thắt lưng Chieko đặt với cảm
giác vui sướng. Công việc đã gần hoàn thành. Anh đặt vào đấy toàn bộ tâm
hồn, tất cả tài nghệ của mình. Ở mỗi lượt go anh như được thấy Chieko.
Không, không phải Chieko, Naeko chứ, tất nhiên rồi. Bởi cái thắt lưng
anh dệt cho Naeko cơ mà. Song trong khi dệt, hình ảnh Chieko và Naeko
cứ hòa làm một trong mắt anh.
Người cha lại gần máy, im lặng quan sát một lúc.
- Được, chiếc thắt lưng tốt đây, - ông khen, - mà mẫu trang trí cũng
không thường, làm cho ai thế?
- Cho con gái ngài Xada.
- Còn phác thảo?