Sau Vũ nữ Izu, Kawabata viết về đời sống các vũ nữ ở Asakusa trong
các tác phẩm như Hoa luân vũ khúc, Hồng đoàn ở Asakusa...
Asakusa là một khu ăn chơi ở Tokyo đã có từ lâu đời và Hồng đoàn
(Kurenaidan) là một nhóm vô lại sống ở đấy.
Quyết định "viết một truyện dài kỳ lạ về Asakusa... trong đó những
người đàn bà sa đọa đóng vai chính", tác giả đến ở gần chốn trụy lạc ấy và
làm quen với cô gái Yumiko cùng các tay anh chị khác. Và thế là tác phẩm
Hồng đoàn ở Asakusa ra đời.
Cuốn tiểu thuyết là bức tranh sống động về Asakusa, một nơi được gọi là
"chợ người", nơi mà "mọi dục vọng đều được buông cương".
Tuy thế, tác phẩm vẫn là "một bài thơ của Asakusa hiện đại". Một bài
thơ không nhất thiết phải dịu dàng mà nó có thể dữ dội như giông tố. Cái
làm nên bài thơ là chữ nghĩa của tác giả, là cái đẹp trong tâm hồn ông chứ
không phải ở đề tài, ở Izu hay là ở Asakusa.
Trong thể loại truyện ngắn, Kawabata cho thấy một tài năng trác tuyệt.
Truyện ngắn nổi tiếng Cầm Thú (Có bản dịch là Về Chim Và Thú) diễn tả
niềm cô đơn của người đàn ông sống giữa bầy cầm thú mà ông nuôi dưỡng,
gần những con chó và các loài chim nhỏ.
Truyện Cánh tay là một huyền thoại tân kỳ lôi cuốn chúng ta vào một thế
giới được cấu tạo bằng những chất liệu mà Kawabata bí mật lấy ra từ ảo
ảnh và vô thức.
Nhưng cánh tay của cô gái trong truyện chẳng phải là một mảnh, một
phiến của thực tại sao? (Kata = phiến, ude = oản), cánh tay mà cô gái cho
tác giả "mượn" trong một đêm sương mù. Tác giả đã sống với cánh tay ấy
còn hơn người ta có thể sống với một cô gái.
Cánh tay nói, như thể đang ca hát: "Người ta đi quanh tìm kiếm bản ngã,
bản ngã ở xa lắm".