làm phát khởi trào lưu "Tân cảm giác".
Trong điêu tàn sau trận động đất lớn năm 1923, trào lưu "Tân cảm giác"
(Shinkankaku) tìm kiếm những điểm khởi hành mới, trong đó có ý thức
chống lại chủ nghĩa tự nhiên đang áp đảo văn chương Nhật Bản từ sau Thế
chiến thứ nhất.
Tác phẩm tiêu biểu của phái Tân cảm giác là tiểu thuyết ngắn Vũ nữ Izu
đăng trên tạp chí Văn nghệ thời đại.
Tác phẩm Vũ nữ Izu được xem là kiệt tác đầu tiên của Kawabata.
Câu chuyện kể về một cô vũ nữ trẻ đẹp thuộc một đoàn múa lưu động
mà hồi còn là học sinh, Kawabata đã gặp trong chuyến du hành ở bán đảo
Izu: "Tôi dạo ấy hai mươi tuổi, đầu đội mũ đồng phục học sinh cao
đẳng...".
Tác phẩm mang một vẻ đẹp tươi mát, trong ngần như "con suối đầy tràn
nước sau trận mưa, óng ánh dưới mặt trời vào ngày mùa thu trong veo của
xứ Izu, khi tiết trời vẫn còn ấm áp như mùa xuân".
Câu chuyện giản dị này được tác giả rất ưa chuộng, thường đưa vào các
tuyển tập của mình. Bán đảo Izu là nơi ông yêu mến sẽ còn được ông nhắc
đến trong nhiều tác phẩm khác.
Kể từ tác phẩm Vũ nữ Izu, ta nhận thấy các nhân vật chính trong tiểu
thuyết của Kawabata thường là "người lữ hành".
Như chính Kawabata, họ chỉ cảm thấy hạnh phúc trong những chuyến đi.
Họ là những lữ khách vĩnh viễn, thường cảm thấy bất an khi phải là chủ
nhân của một ngôi nhà. Kawabata rất ít khi đề cập đến quê nhà của mình.
Sinh ở Osaka nhưng ông thích sống ở Kamakura, ưa đi về bán đảo Izu hay
lên miền Niigata xứ tuyết...
Kawabata thuộc về đoàn hành hương truyền thống trong văn học Nhật,
nối tiếp bước đi của thi hào Basho và thiền sư Riocan. Basho vẫn tự gọi
mình là một "lữ nhân", còn Riocan thì lang thang khắp đất nước.