Và những trang sách khác: Hoa mùa xuân, ni viện và hàng rào gỗ, thành
phố Kimono, loài thông liễu trên Bắc Sơn, những cành thông xanh, thu
muộn, hoa mùa đông...
Thử đọc tiếp: Tiếng rền của núi, tiếng ve kêu, vừng hồng ở chân mây,
quả hạt dẻ, giấc mơ về đảo vắng, anh đào mùa đông, nước buổi sớm, tiếng
gọi trong đêm, tiếng chuông mùa xuân, nhà của chim ó...
Đó là tên một số chương sách của Kawabata. Đọc lướt qua chúng, nghe
như có ai đó đang nói về các đề tài của thơ Haiku. Chúng chẳng chỉ định
một điều gì cả. Chúng chỉ giới thiệu cho ta tiếp xúc với thiên nhiên, vạn
vật.
Việc còn lại là chúng ta mở mắt mà nhìn, lắng tai mà nghe và trải lòng ra
đón đợi.
Đúng lúc ấy, Kawabata mới lên tiếng. Đôi mắt dịu dàng, vầng trán rộng,
giọng nói chậm rãi, ngập ngừng... Đừng vội tìm những ẩn ý nơi ông. Đọc
văn mà cứ đi săn bắt ẩn ý thì cũng chẳng được gì.
Ngàn cánh hạc không chở ẩn ý nào những mơ tưởng. Đấy là cái đẹp. Cái
đẹp không chở ẩn ý nào. Bầu trời trở nên rực rỡ, vì hư không đang nhuộm
sắc cầu vồng.
Tại sao tâm hồn ta không bắt chước nổi điều đó, bắt chước một hư không
đang nhuốm sắc cầu vồng?
Để đồng hành với Kawabata trên đường tìm kiếm cái đẹp.
*
Kawabata chào đời trong một ngôi làng gần Osaka năm 1899. Cha ông là
một y sĩ, rất yêu thích văn chương và nghệ thuật.
Cảm thức cô đơn và hiu quạnh đến với Kawabata rất sớm, khi chưa đầy
bốn tuổi. Cha và mẹ ông vì bệnh lao mà lần lượt qua đời, để lại cậu bé ốm
yếu về sống với ông bà.