thuyết không phải là một. cả xứ tuyết nữa, cũng thế. Xứ tuyết mà ta đọc là
sáng tạo tinh tế của Kawabata. Trong những bông tuyết phất phối ấy có
nhiều mộng tưởng hơn là những bưu ảnh đẹp về một cõi thiên nhiên.
Một dịch giả Pháp cho rằng Xứ tuyết là lời phù chú hơn là văn tiểu
thuyết: "Đó là một tác phẩm thuần túy Nhật Bản, không thể tư duy bằng
ngôn ngữ phương Tây chật cứng sự duy lý. Đó là nghệ thuật mờ ảo, đẹp tế
vi, sự trào lộng cao quý, đó là sự lai tạo gần như vô hình..."
Trong Xứ tuyết, ta lại bắt gặp nhân vật "người khách đi đường" của thế
giới Kawabata. Ở đây chàng Shimamura từ Tokyo đáp tàu đi Niigata ở
phương Bắc, còn gọi là xứ tuyết, vì phong cảnh mê hồn ở đấy, vì tình yêu ở
đấy mà Shimamura có mặt ở đấy, mỗi lần vào một mùa khác nhau. Lần đầu
vào mùa xuân, lần thứ hai vào mùa đông và lần sau cùng là mùa thu. Sự
chú trọng đặc biệt đến tính chất các mùa trong các tác phẩm của Kawabata
càng gợi lên không khí của thơ Haiku.
Hình ảnh đáng nhớ trong phần mở đầu tác phẩm là hình ảnh con mắt của
Yoko trên ô cửa kính phản chiếu ánh lửa lúc con tàu bắt đầu đi vào xứ
tuyết.
"Đó là một ánh lửa lạnh lẽo lấp lánh ở xa xôi. Và khi những tia sáng yếu
ớt của nó rọi ngay chính giữa tròng mắt của người con gái, ánh nhìn lẫn với
ánh lửa xa, con mắt ấy tưởng chừng như một đốm lân tinh đẹp huyền ảo
đang vật vờ trên trùng dương núi rừng buổi tối". (Chu Việt dịch).
Tác phẩm mở đầu khi Shimamura đến xứ tuyết lần thứ hai. Đến lữ quán
anh nhắn gọi Komako là cô gái mà anh đã quen trong lần đầu ghé xứ tuyết.
Lần này, anh khám phá ra Komako đã trở thành một geisha chuyên nghiệp.
Vào mùa thu năm sau, Shimamura viếng thăm xứ tuyết lần thứ ba.
Komako có một người bạn gái là Yoko, người mà Shimamura có lần gặp
trên tàu, ánh nhìn nàng lẫn với ánh lửa. Hai cô gái là đôi bạn kỳ lạ, gần như
là tình địch với nhau.