trầm luân. Đến lượt mình cái đẹp lại cứu vớt chúng ta qua cơn tục lụy. Như
Martin Heidegger nhận định về Hoederlin “Trong thực tế, khi ca hát sự qui
hồi cố hương, Hoederlin đã lưu tâm muốn cho những kẻ đồng hương của
mình gặp được chính thể tính của họ”. Đó chính là tâm thuật của văn
chương.
Trong khi xem xét các truyện trong lòng bàn tay, chúng tôi nhận thấy
rằng bên cạnh những hình ảnh của người lữ khách và người nữ là nhân vật
trung tâm, thì không gian nghệ thuật của truyện cũng được khai thác sâu để
tạo dựng bối cảnh của câu chuyện. Mỗi truyện là một thế giới riêng có cùng
không gian nghệ thuật. Chúng tôi chia không gian nghệ thuật ra làm hai
loại: không gian nghệ thuật tĩnh như bồn tắm suối nước nóng, thôn làng,
bến tàu, căn phòng, cây xanh và không gian nghệ thuật động như chiếc xe
hơi và chiếc xe ngựa. Không gian của truyện tuy khác nhau nhưng đều
mang tính biểu tượng của cuộc đời. Và trong cuộc đời biểu tượng đó diễn
ra biết bao nhiêu bi kịch và hạnh phúc của con người.
Các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm gồm chất thơ, chất huyễn và chất
thiền đan xen hài hòa, bổ sung cho nhau làm nên yếu tố nghệ thuật của
“truyện trong lòng bàn tay”. Tuy mỗi truyện có sự thể hiện đậm hơn các
truyện khác về chất thơ, chất huyễn, chất thiền nhưng nhìn chung thì có sự
kết hợp hài hòa của ba yếu tố nghệ thuật này trong các tác phẩm. Như
những làn hương lẩn quất, giấu mình trong hoa để làm nên thế giới truyện
trong lòng bàn tay.
Thử khảo sát xa hơn, chúng tôi nhận thấy rằng truyện trong lòng bàn tay
đóng vai trò là chi tiết của tiểu thuyết hay là chi tiết của chi tiết tiểu thuyết.
Chẳng hạn truyện Chiếc nhẫn là chi tiết của tiểu thuyết ngắn Vũ nữ Izu,
Tình yêu đáng sợ là chi tiết của tiểu thuyết Tiếng rền của núi, Người đàn bà
hóa thân vào lửa là chi tiết của kiệt tác Xứ tuyết. Tuy thế những truyện
ngắn ấy vẫn mang sức nặng của một tiểu thuyết riêng biệt được dồn nén
đến mức tối đa. Kawabata thường viết các đoản thiên như vậy rồi tập hợp
lại thành tiểu thuyết.