chúng ta luôn gặp lại “người quen”, và có thể xâu chuỗi họ lại thành một hệ
thống biến thể của một tập thể, bao gồm: tác giả và bè bạn của ông.
Cũng như nhiều thiên tài văn học khác trên thế giới, Kawabata đã có
những chủ ý nhất định khi xây dựng hệ thống nhân vật liên truyện như một
sự kí thác, hay biểu tượng thẩm mĩ của mình. Nhân vật liên truyện của
Kawabata dù xuất hiện ở đầu hay cuối quá trình sáng tác đều có chung
thiên hướng “duy mĩ”. Ấy thế mà, trong những bài tiểu luận hay phát biểu
ý kiến về văn học, Kawabata chưa bao giờ thừa nhận mình là người duy mĩ.
Song khi tiếp xúc với thế giới nghệ thuật của ông, người đọc sẽ thấy rõ đặc
điểm này. Mặt khác, lòng ái mộ của Kawabata đối với nhà văn duy mĩ nổi
tiếng Akutagawa đã phần nào cho thấy quan điểm thẩm mĩ của ông. Bản
tính Kawabata ít nói, ông hầu như không bao giờ tuyên ngôn điều gì to tát
nhưng tác phẩm cùng với những nhân vật trung tâm của ông chính là nơi
ông gửi gắm nhiều điều.
Trong hệ thống nhân vật liên truyện, dấu ấn văn hóa phương Đông được
thể hiện rõ nét ở chỗ “tôi” thường là một ẩn sĩ, hoặc một lữ khách “lang
thang đi tìm cái đẹp”... Shimamura cũng như nhà văn hay nhà viết kịch bản
phim đều mong muôn đạt đến được một vẻ đẹp tuyệt đối về bản thể trong
mọi sự vật, hiện tượng, sở thích của “tôi” hay Shimamura đối với phụ nữ
đều là những vẻ đẹp thanh khiết, trong trắng và độ tuổi thường không quá...
mười lăm. Một tình yêu không nhuốm màu xác thịt và thái độ thanh thản
nhẹ nhõm của “tôi” với nàng vũ nữ Kaoru khi khám phá ra vũ nữ mới chỉ là
một cô bé càng khiến cho đất trời xứ Izu trở nên “trong vắt” sau trận mưa
rào. Yoko, vẻ đẹp không với tới được của Shimamura có một “giọng nói
trong vắt”, “đôi mắt đẹp tuyệt vời” và vẻ đẹp cổ xưa, huyền bí. Kawabata,
từ đầu đến cuối sự nghiệp của mình, luôn bị hấp dẫn đặc biệt bởi phụ nữ
trẻ, trinh trắng. Đối với ông, dường như họ tượng trưng cho bản chất của
cái đẹp. Lời nhận xét của Mishima Yukio thật sâu sắc: Kawabata bị quyến
rũ bởi sự trinh trắng vì nó là cái không thể tồn tại lâu dài.