CON CHÂU CHẤU VÀ CON DẾ ĐEO CHUÔNG
Tản bộ dọc theo bức tường lợp ngói của trường đại học tổng hợp, tôi rẽ
sang bên, lại gần khu trường trung học. Đằng sau hàng rào ván sơn trắng
bao quanh sân thể thao, từ lùm cây mờ tối nằm dưới tán cây anh đào đen
thẫm có một tiếng côn trùng nỉ non. Vừa lắng nghe, vừa đi chầm chậm,
được một đoạn tôi buộc lòng phải chia tay với tiếng hát nỉ non, rẽ sang phải
để không chệch hướng sân vận động. Từ chỗ ngoặt trái, hàng rào tạo một
lối đi tới con đê, hai bên trồng những cây cam. Vừa ló ra góc khuất vừa kêu
lên ngạc nhiên, tôi vội vàng đi tới, cặp mắt bừng sáng trước quang cảnh
phía xa...
Ở chân đê, như một đám rước, những chiếc đèn lồng lộng lẫy nhiều sắc
màu đang nhấp nhô bồng bềnh. Quang cảnh y hệt ngày lễ hội ở một làng
quê xa xôi nào đó. Không cần tới gần tôi cũng biết đó là lũ trẻ con đang
chui ra chui vào các lùm cây mọc rải rác trên đê tìm bắt côn trùng. Có
khoảng hai mươi chiếc đèn, chúng không chỉ mang một sắc đỏ thắm, hồng,
chàm, xanh lá cây, đỏ tía hay vàng mà có cái sáng lên năm màu một lúc.
Cũng có một vài chiếc đèn nhỏ, ánh sáng đỏ, là thứ mua ở cửa hàng, nhưng
số còn lại phần lớn do bọn trẻ tự tay làm ra. Nom đẹp đẽ vuông vắn thế kia
hẳn bọn trẻ đã hì hụi làm ra với một tình yêu và sự chú tâm ghê gớm. Đêm
vắng vẻ, những chiếc đèn bồng bềnh cùng tụi trẻ con đi trên triền đê, cảnh
này là thực hay đang mơ trong một câu chuyện thần tiên?
Một đứa bé nhà gần đây, vào một đêm đã nghe thấy tiếng côn trùng nỉ
non trên triền đê này. Cậu ta đi mua một chiếc đèn lồng màu đỏ, đêm sau
quay lại tìm người ca sĩ hay nỉ non ấy. Đêm sau nữa, lại thêm một cậu khác.
Nhưng cậu này không mua đèn. Cậu cắt hai mặt hộp bia, bồi giấy, thắp nến
phía trong, làm sợi dây xách tay, thế là xong một chiếc đèn. Rồi năm đứa,
rồi bảy đứa. Chúng tìm cách tô màu hoặc vẽ lên mắt đèn. Những chàng họa
sĩ thông thái tí hon này bắt đầu cắt mắt đèn theo hình tròn, tam giác, lá