Chuồn chuồn, bướm bướm, dê nâu
Cào cào, dế cộ, ve sầu hát lên...
Những cánh bay mênh mông khởi sự từ những cây bá hương trong gió
chiều. Nhà thơ đã nói thế. Shimamura có thể nhìn qua cửa sổ, những rặng
bá hương có cơ man chuồn chuồn bay vút, nhào lộn, múa lượn trong ánh
nắng chiều sắp ngã: mê man, cuống quýt mỗi lúc một say cuồng.
Lật cuốn sách chỉ dẫn về núi non trong vùng mà chàng đã mua được ở
Tokyo trong lúc chờ xe lửa khởi hành, Shimamura biết một con đường, ở
ngay dưới một đỉnh núi, chạy giữa những hồ và đầm trong một cảnh quan
lộng lẫy và đặc biệt vùng đất ẩm rất nhiều loài hoa núi... Những con chuồn
chuồn ngô, về mùa hè thanh bình bay lượn, oai hùng đậu lên mũ, lên tay áo,
lên gọng kính của anh, khác hẳn với đám chuồn chuồn cuồng loạn, phù
phiếm bay nhởn trên thành phố khác nào đám mây nhẹ chui ra từ những
đám bùn...
Cái đám lốc chuồn chuồn ấy, trái lại, như vũ điệu của đám khùng, một
điệu nhảy của dân cuồng loạn. Dường như, trong cơn rồ dại, chúng lăm lăm
ngăn cảnh chiều bao phủ dần dần đám rừng bá hương; chống trả tuyệt vọng
với màn đêm đang đổ xuống phút hoàng hôn.
Mặt trời đã lặn xuống sau những chỏm núi cao, tỏa sáng lần cuối cùng
những thảm lá đỏ như một lòng suối đổ dọc theo những sườn núi.
“Con người thật mong manh! Anh có thấy chăng?” Sớm nay Komako đã
nói với chàng như thế. Hầu như họ đều nhão ra đến độ, sọ, xương, tất cả
đều vụn nát. Rơi từ tít trên cao xuống, một con gấu nào có thấm tháp gì!
Nàng kể lại một tai nạn mới xảy ra gần đây ở vùng núi, chỉ tay ra chỗ tai
nạn trên những tảng đá, chỗ cao kia, nơi “họ đã gặp chuyện rủi ro”. Và, giờ
thì Shimamura tự nhủ nếu như con người có bộ da dầy và cứng như da gấu
thì vũ trụ của hắn hẳn là đổi khác: phải chăng con người nhờ có làn da mịn
dịu thơm mà con người biết yêu đương? Và cái ý nghĩ kỳ cục đó, khi đắm