tường băng không ngừng chất cao thêm trong suốt cả mùa đông, mà những
đường hào hoặc đường hầm đã được đào ngay ở đó để người ta có thể từ
hai bên đường qua lại.
Cái làng mà Komako ở, bên suối nước nóng, không giống kiểu như ở
đây, dù nó vẫn có phong cách miền núi và cũng ở Xứ Tuyết: những ngôi
nhà dựng cách xa nhau và có khu đất trống bao bọc.
Shimamura, lần đầu tiên trông thấy những dãy hành lang có mái che
chạy dọc phố như một tấm áo giáp chống tuyết khiến anh tò mò bước vào.
Bóng tối phủ đầy dưới những hàng hiên hun hút, anh nhận ra những thân
cột gỗ chống đỡ đã chớm mục dưới chân. Trong bóng tối, về những căn nhà
tối sẫm, anh hình dung ra những đêm dài trong mùa đông dằng dặc, nơi đó,
đời này sang đời khác, tổ tiên của những con người hiện nay đã sống.
Anh ngắm nhìn những cô gái trẻ, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, gò mình
trong công việc, dệt không ngừng trong cái nhà tù của tuyết. Anh nhận ra
rằng kiếp sống của họ nào có được rực rỡ và sáng sủa như thứ vải chijimi,
thanh khiết và tươi tắn biết bao trong màu trắng do chính bàn tay năng
động của họ tạo ra.
Trong cuốn sách cổ mà Shimamura đã đọc, sau khi đề cập đến một bài
thơ Trung Hoa, tác giả đã rút ra những sự khắc nghiệt của luật lệ kinh tế,
rằng việc tạo ra thứ vải chijimi chẳng lời lãi được bao nhiêu khi mà một
tấm vải mất một khối lượng ghê gớm công lao động. Nghề ấy chỉ có thể là
một nghề thủ công gia đình và không bao giờ một nhà sản xuất có thể lấy
thợ nữ từ bên ngoài.
Vậy là những bàn tay vô danh xưa kia đã chết, sau khi làm việc cần mẫn,
chỉ còn lại những tác phẩm của họ là thứ vải chijimi hiếm hoi này, thứ vải
đã gây ra sự dễ chịu thích thú đối với những người am hiểu sành sỏi như
Shimamura, bởi nó làm cho da dẻ mát dịu dưới ánh nắng hè. Cái ý nghĩ ấy,
dẫu chỉ tầm thường nhưng anh cảm động như tìm ra được những điều sâu
sắc. Một công việc mà trái tim đã đặt cả tình yêu nào đó, liệu nó có truyền