đi được lời thông báo về lòng dũng cảm của một nỗ lực thuần nhất và lòng
nhiệt thành của một cảm hứng thuần nhất.
Theo dấu vết của con đường thư tín từ thời xa xưa như người ta đã biết,
phố chính của làng chạy thẳng rồi xa dần bởi những ngôi nhà nằm cách xa
nhau và tiếp nối dưới kia với ngôi làng của Komako và cái suối nước nóng.
Ở đây cũng thế, các mái nhà lợp bằng ngói ván, được chẹn lên bằng những
dẫy đá mà anh đã rất quen thuộc.
Để ý thấy những cột chống mái hiên đã hắt bóng lên nền đất, Shimamura
biết đã xế chiều. Chẳng biết xem gì ở đây nữa, Shimamura đáp tàu xuống
một ga khác và anh lại gặp một làng giống hệt cái làng anh gặp lúc đầu
tiên. Anh lại dạo chơi ở đó và khi dừng chân, cảm thấy lạnh trong người,
anh ăn một tô mì ở cửa hàng bình dị trên bờ con sông được hình thành từ
dòng thác chảy xuống trạm nước nóng. Trên một chiếc cầu xa xa, anh nhìn
thấy một hàng đầu trọc đi từng tốp hai, tốp ba: những ni cô, tất cả đều đi
dép rơm, vài người mang trên lưng chiếc nón tu lờ tròn và nhọn cũng đan
bằng rơm. Chắc là họ sau chuyến đi khất thực, họ đang quay về tăng viện,
như một đàn quạ sải cánh bay về tổ.
- Giống đám rước quá! - Shimamura nhận xét.
Người đàn bà đứng trông cửa hàng trả lời anh:
- Tăng viện của họ ở trên cao, chỗ sườn núi! Có lẽ đây là chuyến xuất
hành cuối cùng, bởi khi tuyết đổ, họ không xuống được nữa.
Trên ngọn núi bóng chiều đang sẫm dần, phía trên cầu, đợt tuyết đầu tiên
đã phơi màu trắng toát.
Ngay từ khi những chiếc lá rụng trước ngọn gió lạnh và gay gắt, ở Xứ
Tuyết, ngày tuyền một màu xám, đầy mây và giá buốt. Người ta đã nhận ra
tuyết trong không khí. Những vòng cung núi bao quanh, trắng xóa lên từ
trận tuyết đầu và người trong vùng gọi là “núi đội nón”. Dọc biển Bắc, biển
mùa thu gầm thét và núi non cùng lúc tạo ra ở đây, giữa lòng xứ sở, vẳng
lên tiếng thở dài ghê gớm, giống như tiếng ầm ì của sấm. Người ta gọi là