Hôm ấy vì mưa nên Otoko đã thuê taxi nửa ngày, và bác tài taxi đã chỉ
cho hai người tiệm ăn này. Tuy đang mùa hoa anh đào mà nhờ mưa nên
vắng du khách, nhất là trên núi Arashi. Vì vậy mà Otoko nói thích mưa.
Mưa còn làm dẫy núi bên kia sông mờ đi, dáng núi mềm mại và đẹp hơn.
Otoko và Keiko rời tiệm ăn trở ra taxi mà không cần mở dù, mưa bụi làm
quần áo chỉ hơi ẩm. Nàng nhìn những hạt mưa biến đi khi chạm nước mà
không để lại dấu vết gì trên mặt sông. Hoa anh đào núi nở lẫn với lộc non,
và mưa làm dịu đi màu xanh quá tươi của nụ lá.
Không phải chỉ núi Arashi đẹp dưới mưa xuân. Đền Rêu và Ryoan-Di
cũng không kém mỹ miều. Trong đền, một bông trà đỏ rụng trên thảm rêu
màu xanh rực rỡ. Giữa những bông hoa dại nhỏ trắng, bông trà như từ rêu
nở ra. Còn tu viện Ryoan-Ji, đá trong vườn ướt mưa, mỗi hòn lóng lánh một
cách. Otoko nói, “Đá ướt mưa làm cô nghĩ đến những bình gốm Iga được
tráng nước sôi trước khi pha trà.” Keiko chưa bao giờ thấy gốm Iga, nhưng
nghe Otoko nói, cô gái để ý đến những giọt mưa trên lá thông dọc con
đường trong khuôn viên tu viện. Những giọt mưa nhỏ lấp lánh thành những
hạt ngọc đính tại mỗi mút lá mảnh và dài như cây kim, tựa hồ sương móc
nở hoa. Những bông hoa mưa mảnh dẻ này chắc chẳng ai biết tới. Những
cây phong mà nụ lá chưa mở cũng lấp lánh những hạt nước nhỏ. Bất cứ ở
đâu, mưa chẳng đọng trên mút lá thông, nhưng Keiko hôm ấy mới ghi nhận
nên cảm thấy hiện tượng như chỉ riêng cho Kyoto. Giọt mưa xuân trên mút
lá cũng như sự lễ phép của bà bán mì là những ấn tượng đầu tiên của cô gái
về Kyoto. Không những Keiko khám phá ra cái đẹp của cố đô, mà khám
phá ra cái đẹp ấy với Otoko ở bên.
Keiko nói:
“Không biết bà chủ quán có mạnh giỏi không cô nhỉ. Từ hôm đó cô và
em không trở lại núi nữa.”
“Đúng, lâu lắm chúng mình không đi chơi núi. Cô cho là núi đẹp nhất về
mùa đông... Chúng ta sẽ thăm lại núi.”
“Phải đợi đến mùa đông hả cô?”