“Nhớ chứ.”
“Cô có nhớ cái bà lão bán mì không?”
Lần đó độ hai ba bữa sau khi Keiko dọn tới, Otoko dẫn Keiko thăm vài
thắng cảnh, trong đó có núi Arashi. Hai người vào tiệm mì gần sông
khoảng đầu cầu Togetsu. Bà chủ tiệm mì than thở vì trời mưa, Otoko nói:
“Mưa xuân thích chứ.”
“Cám ơn bà,” người đàn bà nhà quê lễ phép nói.
Keiko nhìn Otoko và hỏi khẽ, “Bà cụ cảm ơn giùm cho trời mưa sao?”
“Em nói gì?”
Câu trả lời của bà nhà quê Otoko nghe như tự nhiên đã làm Keiko ngạc
nhiên. Rồi nàng trả lời cô gái:
“Cô chắc vậy.”
Keiko theo đuổi câu chuyện:
“Tức cười cô nhỉ. Thời tiết mà đi cảm ơn người ta. Dân Kyoto lễ phép
đến như vậy sao?”
“Cô chắc vậy...”
Có thể Keiko cho là lễ phép cũng đúng, và bà già bán mì đã tỏ ra lịch sự
với hai người đi ngắm núi Arashi dưới mưa. Nhưng Otoko không phải chỉ
vì xã giao mà nói không phiền hà chuyện mưa. Nàng thực tình thấy mưa
xuân trên núi Arashi đẹp, và nàng nghĩ vì vậy mà bà già địa phương đã cảm
ơn nàng. Bà già như đại diện thời tiết hay đại diện quả núi mà cảm ơn. Tóm
lại, bà chủ tiệm ăn cảm ơn là phản ứng bình thường của dân vùng này,
nhưng Keiko đã cho là kỳ lạ.
Keiko nói:
“Họ nấu mì ngon cô nhỉ. Em rất thích cái tiệm ăn ấy.”