Để tránh cho bức tranh khỏi nhạt nhẽo, Otoko đã bỏ nhiều công phu vẽ
chân dung hai cô gái. Hoa văn tỷ mỷ trên y phục làm nổi bật bốn bàn tay.
Tuy tấm họa không hẳn chép lại tấm ảnh, nhưng dân Kyoto trông qua là
biết tranh vẽ từ tấm ảnh một kỹ nữ thời Minh Trị.
Một người buôn tranh ở Tokyo thích bức họa và tìm gặp Otoko. Ông ta
thu xếp để triển lãm tại Tokyo một số tranh khác khổ nhỏ của nàng. Đó là
lần Keiko thấy những tranh đó, vì cô gái chưa bao giờ được nghe tiếng họa
sĩ Ueno của cố đô.
Nhờ bức tranh hai người ca kỹ, mà cũng vì nhan sắc của Otoko, có tuần
báo đã dành một bài dài cho nàng. Họ gửi phóng viên và thợ ảnh đưa
Otoko đi chỗ này chỗ nọ ở Kyoto. Họ chụp Otoko hết tấm này đến tấm
khác. Otoko hóa ra đóng vai người hướng dẫn, vì nhân viên tòa báo muốn
đi những nơi mà nàng thích. Kết quả là bài tường thuật chiếm ba trang lớn.
Bài gồm ảnh chụp lại “Người ca kỹ”, chân dung Otoko, và vô số cảnh cố
đô nhờ sự diện của nàng mà có ý nghĩa đặc biệt. Có thể họ chỉ muốn tìm
những thắng cảnh du khách ít biết, và dùng Otoko như một hướng dẫn viên
kiêm họa sĩ.
Keiko bấy giờ còn xa lạ với cố đô, không lưu tâm đến thắng cảnh, qua
ảnh chỉ thấy nhan sắc của Otoko. Và cô gái bị thu hồn.
Trở lại hôm đầu tiên ấy, Keiko hiện ra trong sương mờ như một bóng
ma, năn nỉ Otoko cho ở chung để học vẽ. Keiko khẩn khoản làm Otoko
ngạc nhiên. Và bất thình lình, cô gái ôm chầm lấy Otoko làm nàng cảm
thấy như bị siết chặt trong vòng tay hồ tinh. Otoko nghe toàn thân rạo rực
như bị kích thích bởi một đam mê bất ngờ.
Otoko nói:
“Ít nhất cha mẹ em phải bằng lòng, cô mới nhận em được.”
“Cha mẹ em đã qua đời. Bây giờ em tự lo liệu lấy thân em.”
“Em không có anh chị cô bác hay sao?”