YASUNARI KAWABATA - NGƯỜI CỨU RỖI CÁI ĐẸP
NHẬT CHIÊU
Trong khung trời năm mới
Tôi nhìn thấy trong mơ
Ngàn cánh hạc nào đang múa
Đây là bài thơ Haiku của Kawabata mà ta có thể tìm thấy trong bài giảng
thuyết "Hiện hữu và khám phá cái đẹp" của ông.
Kawabata là hiện tượng kỳ diệu nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX.
Các tác phẩm tiểu thuyết của ông vang danh khắp thế giới: Xứ tuyết, Ngàn
cánh hạc, Cố đô, Tiếng rền của núi, Người đẹp ngủ mê, Vũ nữ Izu... Đó
chính là những bài thơ văn xuôi đã đưa lại cho ông giải thưởng Nobel văn
chương năm 1968 và để lại những ấn tượng khó phai mờ trong lòng chúng
ta về cái đẹp của thế giới này.
Mishima Yukio gọi Kawabata là Eien-no-Tabibito: Vĩnh Viễn Lữ Nhân.
Đấy là "Người lữ khách muôn đời" đi tìm cái đẹp.
Marcel Proust đi tìm thời gian đã mất. Kawabata đi tìm cái đẹp mất đi
trong khoảnh khắc và cũng tái sinh trong khoảnh khắc.
Chẳng phải là ngàn cánh hạc luôn luôn chết đi và sống lại trong muôn
ngàn mộng tưởng của chúng ta?
Và bầu trời xanh kia, nó có từ bao giờ vậy mà sao vẫn cứ là "năm mới"?
Cứ thế, bài thơ Haiku của Kawabata, bằng điệu vũ nhẹ nhàng của nó,
đưa ta vào một thế giới trong xanh tuyệt vời.