Minh ngồi nhâm nhi cốc rượu, có hai cô đào trẻ đưa mãi khai bánh mứt
trước, ân cần mời mọc. Họ thuộc loại " đào rượu ", nghĩa là không biết hát,
vào đây chỉ để mời rượu quan viên mà kiếm tiền độ nhật. Không khí này
Minh chưa thấy hấp dẫn lắm, nhưng hôm nay anh vui lây cái vui của người
đàn anh trong ngày cuối năm, nên cũng gật gù ra chiều thưởng thức câu ca
tiếng trống một cách rất tận tình.
Khoảng nữa tiếng sau, đào Mỹ ngừng hát. Căn phòng lặng thinh một
chút rồi đào Mỹ chuyển sang giọng ngâm:
Lũ chúng em chờ chàng qua mấy kiếp
Tình giang hồ tha thiết mãi còn đây...
Tất cả những cô đào chung quanh đều đồng thanh ngâm theo câu thơ
quen thuộc ấy để báo trước phút chia tay như thông lệ. Giọng ngâm đuổi
theo nhau, nghe não nề ray rứt. Vương Luân buông dùi buông trống, moi
tiền đặt vào quả và đậy nắp lại. Vốn liếng có bao nhiêu trong túi, ông dốc ra
gần hết, chấp nhận năm nay ăn cái tết đạm bạc với vợ con. Không phải ông
chỉ tặng riêng cho đào Mỹ, mà tất cả chị em, ai ai đều có phần.
Minh cũng toan moi ra ít tiền, nhưng Khâm Thiên công tử khua tay cản
lại vì ông đảm nhận hết mọi chi phí hôm nay. Ông bịn rịn đứng dậy cùng
Minh bước ra. Khác với thông lệ, hôm nay Vương Luân không ở lại, vui thú
gối chăn với người ông thương. Dân trong nghề gọi là đi hát một " chầu
chay "! Đào Mỹ sửa lại khăn áo, níu cánh tay đưa ông ra tận cửa, hết lời
cảm ơn và hẹn ngày tái ngộ. Vương Luân vừa đội nón lên và toan bước đi
thì chủ nhà chạy ra, xoa tay tha thiết nói:
- Ngại quá mà vạn bất dĩ phải nhờ quan anh giúp cho một việc...
Minh đã ra đến hè, lại thụt lùi vào tuốt bên trong vì thấy khách bộ hành
qua lại khá đông. Đối diện bên kia đường, sát cạnh một hiệu ăn mới mở là
tiệm thuốc của một ông lang chuêyn chữa bệnh hoa liễu, phục vụ chị em