khách vãng lai, ông đến đây vì thèm câu thơ giọng hát, thèm ánh mắt đưa
tình, bàn tay vuốt ve âu yếm, giúp ông quên cuộc đời thực tế với gánh nặng
của một gia đình đông con. Giá không có đôi tay tần tảo của bà vợ nhà quê
thì đàn con bốn đứa cảu ông đã bị gậy đi ăn xin từ lâu rồi, bởi lương nhà
báo chẳng có bao nhiêu mà rất hiếm khi ông ôm về cho vợ. Ấy vậy mà lắm
khi ông đã từng lãng mạng nghĩ đến chuyện xoay xở tiền để chuộc cô đào
Mỹ về làm vợ lẽ. Ông nhà báo đa cảm, mà chị em đào hát thì mỗi người
một cảnh ngộ éo le, ai cũng cho biết là bất đắc dĩ lắm mới chọn nghề này,
do định mệnh ác nghiệt đưa đẩy. Nghe chuyện đào Mỹ bị ông bố toa rập với
dì ghẻ hành hạ trăm phần cơ cực, phải bỏ nhà lao vào đây làm nghề đào hát,
Vương Luân rơi nước mắt vỗ về, rồi hứa hẹn sẽ kiếm tiền chuộc cô về, thuê
nhà cho ở riêng! Hứa vậy thôi chứ đó là chuyện đội đá vá trời, ốc còn
không tha nổi mình ốc, ông xoay đâu ra tiền mà đòi vung tay nghĩa hiệp,
cứu người lầm than!
Minh liếc nhìn ông ngồi bên đào Mỹ, nét rạng rỡ hiện rõ trong ánh mắt.
Ông cầm chầu. Tiếng trống " chát, tom " ròn tan, được gia chủ và các cô
đào xúm lại khen là vừa hào hao vừa lẳng lơ! Đào Mỹ cầm phách, tức là gỗ
lim hình chữ nhật đã lên nước bóng loáng với hai thanh tre nhỏ gõ nhịp.
Đàn đáy dạo vài cung đưa đẩy rồi đào Mỹ cất giọng:
" Hồng Hồng, Tuyết Tuyết.
Mới ngày nào chỉ biết cái chi chi..."
Chầu ả đào nào cũng phải bắt đầu bằng bài này bởi nó làm rung động
lòng người, gợi niềm luyến tiếc dĩ vãng, nhớ nhung tháng ngày đã qua đi.
Cô nào hát bài này cũng hay, bởi nó giải bài tâm sự sâu lắng trong lòng,
thương thân phận mình. Tuổi xuân đi qua quá nhanh, nhan sắc mỗi năm một
phai tàn! Người mê thú ả đào ai cũng thầm nhận đây là bài hát điển hình,
xứng đáng dùng để tế tổ nghiệp.